Tuesday, January 24, 2017

Lý Cái Mơn - Bích Phượng


Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre

Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre 
Lữ Hội  

Bến Tre là tỉnh nằm sát biển Đông, được hợp thành bởi ba cù lao lớn: Cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, do phù sa của bốn nhánh sông: Sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên bồi tụ qua nhiều thế kỷ.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Bến Tre có nhiều dừa, mía, cây ăn trái, biển nhiều cá tôm, Bến Tre còn là một những những cái nôi của nguồn dân ca người Việt Nam ở Nam bộ. Ngoài những thể loại có chung đặc điểm với các tỉnh trong khu vực như: Hò, lý, hát ru... Bến Tre còn có thể loại riêng là đọc thơ Lục Vân Tiên và hát sắc bùa Phú Lễ. Bên cạnh tính đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, hình thức, về môi trường thể hiện cũng rất phong phú và hòa quyện nhau trong quá trình diễn xướng.

Hát ru:

Hát ru còn gọi là hát đưa em, là một trong những thể loại có khả năng biến cải các thể loại khác thành lời hát ru; cấu trúc một câu hát đưa em thường được thành 3 phần: mở đầu gọi là xô một, kế đến là câu kể, kết thúc là xô hai. Xô hai của một câu hát đưa em được mở rộng gấp đôi xô mở đầu và được thực hiện xuyên suốt sau khi kết thúc một câu kể trong buổi hát, lượt hát đưa em. Xô mở đầu chỉ thực hiện khi bước vào buổi hát đưa em.

Mỗi khi câu kể có ít nhất là câu lục bát, hoặc lục bát biến thể. Kết thúc câu lục thường có tiếng đệm lót theo sở thích của người hát đưa em.

Tùy vào hơi dài, ngắn và sự phấn khích của người hát đưa em, câu ru được kéo dài hoặc dồn dập, hoặc lớn, nhỏ, nhưng vẫn nhịp nhàng với võng ru cho đến khi trẻ thơ vào giấc ngủ.

Hò Bến Tre:

Hò Bến Tre là kết quả của một tập thể người sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất trên đồng ruộng. Do đó, tuy Bến Tre là vùng cù lao bốn bề sông nước, nhưng hò trên sông nước không là loại hình sinh hoạt phổ biến trên đất Bến Tre, mà là sự ngẫu hứng mang tính cá nhân, mục đích chủ yếu là nhằm ôn lại, kể lại những câu hò đã hò trên đồng ruộng hoặc sáng tạo mới trong khoảng thời gian ngồi trên xuồng để mọi người cùng nghe. Vì vậy, không thể đồng nghĩa mái hò với mái chèo.

Một câu hò đối đáp được chia ra ba câu, dân gian gọi là ba mái hò. Mỗi mái hò là một câu kể gọi là cái kể. Kết thúc cái kể là một hình thức đưa hơi gọi là con xô. Hò chỉ diễn ra trong một vạn cấy, thường thể hiện dưới hình thức hò đối đáp. Vào mùa cấy, hò là môi trường thuận lợi cho nhiều đôi trai gái bày tỏ tình cảm, thử thách tài trí... Qua các buổi hò, nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ.

Trong một cuộc hò bao gồm cả hai lối hò: hò mép và hò huê tình và có xướng, có xô. Cách đặt tên cho hò cơ bản dựa trên nội dung của con xô.

Hò hố khoan, hò hơ và hò xự xang là ba hình thức hò mang tính tập thể cao, được tập thể chấp nhận, chủ ruộng đồng tình, nên là ba hình thức hò phổ biến trên đồng ruộng ở Bến Tre.

Hát lý:

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các điệu lý là tác phẩm âm nhạc tự túc của nhân dân được lưu truyền rộng khắp, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau dần trở thành một môn nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Đến nay, Bến Tre đã sưu tầm được 75 điệu lý, trong đó có 65 làn điệu khác nhau.

Lý luôn là người bạn đồng hành của người lao động trong suốt cuộc hành trình: Theo người lao động ra đồng, đi biển, bơi xuồng, hay hát giúp vui, và theo trẻ thơ vào giấc ngủ.

Nói vè:

Bên cạnh lối tự sự bằng văn xuôi, đã xuất hiện lối tự sự bằng văn vần, bởi nhân dân ta trong lời ăn tiếng nói hàng ngày thích dùng những câu nhịp nhàng, đối xứng, ví von. Do đó, vè xuất hiện để kể lại  những sự việc không bình thường một cách có vần, có nhịp.

Vè như là một thứ khẩu báo, nhỏ thì thu hút sự chú ý của nhân dân một thôn, một xã. Lớn thì một huyện, một tỉnh, một vùng.

Vè thường xuất hiện trong các buổi trà đàm vào lúc chiều tối. Ngoài các buổi trà đàm, các đội hát sắc bùa Phú Lễ cũng sử dụng lối kể chuyện này để giúp vui trong các buổi diễn nhân dịp xuân về.

Nói thơ Lục Vân Tiên:

Qua các bậc cao niên, nói thơ Lục Vân Tiên thường diễn ra vào những buổi chiều tối.

Bên ánh đèn dầu, một người nói thơ, nhiều người già, trẻ, gái, trai trong xóm cùng đến thưởng thức. Ngày qua ngày nối tiếp nhau - giọng này mệt, giọng khác thay; người này vắng - người khác thế, Lục Vân Tiên đã hằng sâu trong tâm trí của các thế hệ người Bến Tre. Nhiều bậc cao niên tuy không biết chữ, nhưng vẫn thuộc làu tác phẩm Lục Vân Tiên.

Trong sự ngút ngàn của vườn hoa âm nhạc dân tộc, trong sự đa dạng, phong phú của lối ứng tác tức thì của các nghệ sĩ dân gian Bến Tre đã góp phần tạo nên sắc thái văn hóa vừa phù hợp với diện mạo chung trong sự phát triển của dân ca Việt Nam, vừa khẳng định khả năng sáng tạo mang tính đặc thù của dân ca Bến Tre.

Lữ Hội 

Source Van Chuong Viet