Đôi lời giới thiệu

 
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Thương nhau bẩy núi cũng trèo
Chín sông cũng lội, mười đèo cũng qua.

..........

Theo từ điển tiếng Việt. Ca: hát; Dao: bài hát. Ca dao là câu hát truyền miệng trong dân gian, không theo một điều nhất định: Những bài ca dao hay đủ sánh được với các bài thơ trong Kinh Thi (Dương Quảng Hàm). Còn Tục ngữ là những câu nói tóm tắt kinh nghiệm của người đời và thường được kể ra trong cuộc giao tế của xã hội. Như thế, Ca dao, tục ngữ chính là một hình thức của dân ca... Dân ca gồm nhiều thể loại như Hát ru, Hò, Vè, hát Quan họ, hát Trống quân, đồng dao v.v... Trong kho tàng Văn chương truyền khẩu có rất nhiều những câu Ca dao, Tục ngữ được lưu truyền qua nhiều thời đại và tồn tại cho đến ngày nay. Ca dao tục ngữ bao gồm nhiều lãnh vực của cuộc sống và phổ biến trên mọi vùng miền của đất nước...

Ca dao có từ rất lâu đời, phần nhiều được lưu truyền, ghi chép qua dạng thơ lục bát. Vì là truyền khẩu phần lớn không có ghi chép nhạc, ngoại trừ một số ít... Ca dao cũng được diễn xướng tuỳ hứng ở những vùng miền như Hát ru Bắc, ru Trung, ru Nam hoặc Hò 3 miền v.v... Hát ca dao ở mỗi miền đều có những âm điệu đặc trưng riêng mà người nghe có thể dễ dàng nhận biết ngay. Đó là nét đặc sắc của dân ca Việt Nam.

Ngày nay đã có nhiều nhạc sỹ và những người làm công việc chuyên môn sưu tầm, thực địa ghi chép, ký âm lại những bài dân ca này qua những người còn sống ở trên khắp đất nước... Đó là công việc cần nhiều thời gian, công sức, chuyên môn và điều kiện.

Blog Nhạc Ca Dao chỉ là những sáng tác cá nhân tuỳ hứng nhằm mục đích giải trí... Những câu Ca dao, tục ngữ được sử dụng trên Blog này gồm từ nhiều nguồn gốc như truyền khẩu trong gia đình, xã hội; phổ biến trên các phương tiện truyền thông; giáo dục học đường, các sách tài liệu giáo khoa và Internet. Tuy người viết được đào tạo bài bản và tốt nghiệp về sáng tác dân ca nhưng lúc viết thì lại hứng thú căn cứ trên những âm vận và ngữ điệu của lời thơ hơn là áp dụng những thang âm, điệu thức hoặc những quãng đặc trưng khuôn mẫu cho mỗi làn điệu... tuy rằng một đôi bài cũng mô phỏng theo một vài điệu thức quen thuộc. Ca dao cũng không có tên, không có tựa riêng cho từng câu. Vì vậy tựa bài nhạc được đặt theo nội dung của câu và theo ý tác giả.

Ca dao tục ngữ rất phong phú, cho đến nay người viết mới chỉ chọn được vài trăm bài. Hy vọng tương lai có thêm thời gian và điều kiện để tìm tòi thêm.

Cám ơn bạn đọc đã chiếu cố trong thời gian qua. Do kiến thức, khả năng và điều kiện, hoàn cảnh giới hạn, nếu có những nhầm lẫn và sai sót, mong lượng thứ. Mọi ý kiến xin gởi E-Mail về dthuc@live.com - Cám ơn.

Blog Nhạc Ca Dao

No comments: