Monday, December 21, 2015

Du Lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long


Lý Được Mùa - Vân Hà - Kim Tử Long - Chiếc Hổ Phù


Điệu Hò Câu Hát Miền Nam

Điệu Hò Câu Hát Miền Nam
Xuân Tước  (Trích Thuvienvietnam.com)

Ở miền Bắc Việt Nam, ca dao được sưu tập và phân loại rất chu đáo. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc với bộ Tục Ngữ Phong Dao đã làm công việc này một cách có quy cũ, giúp ích nhiều cho người nghiên cứu. Ở miền Nam trước đây, ông Đào Văn Hội cũng có xuất bản tập sách về ca dao, nhan đề là Hương Hoa Đất Nước, tuy giá trị nhưng không phổ biến bằng.
 
Như ta đã biết, tổ tiên ông bà người miền Nam là những phiêu bạt từ phương Bắc vào, dừng chân nơi đất Thuận Quảng rồi vào tận đồng bằng sông Cửu Long ở cực Nam của đất nước. Trong khi di dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, tiền nhân đã sản sinh ra nhiều làn điệu ca dao, dân ca phong phú, có hình thức cùng giá trị độc đáo riêng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin phác qua vài nét...
    I.- Tiếng Hò Câu Hát Trong Sinh Hoạt Hằng Ngày:
Xã hội miền Nam nặng về nông nghiệp. Cuộc sống chậm chạp, êm đềm. Chỉ khi đi cày, đi gặt, khi đập lúa dưới trăng... sinh hoạt miền Nam mới trở thành nhộn nhịp. Những câu hò, câu hát vang lên.
Người ta đối đáp nhau để bày tỏ niềm vui khi lúa chín đầy đồng:
    Hò chơi cho trọn buổi chiều,
    Keo sơn quấn chặt, sợi chỉ điều se săn.
Khi đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa:
    Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
    Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ.
Thế nhưng khi duyên nợ không thành, thì câu hát đổi thành lời trách cứ nhẹ nhàng:
    Hò ơ... cúc mọc bờ sông kêu là cúc thủy,
    Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.
    Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
    Mai sau cha yếu mẹ già
    Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng ơ...
Ngoài việc diễn tả tâm tình, tiếng hò câu hò miền Nam còn để mô tả phong tục:
    Con chim chìa vôi bay qua đám thuốc,
    Con cá bãi trầu lội tuốt mương cau.
    (Tục ăn trầu)

    Gió đưa gió đẩy bông trang,
    Bông búp về nàng, bông nở về anh.
Khi làm đám hỏi thì anh phải đi đôi bông búp vì cô gái còn ở "nhà nàng". Nhưng đến ngày lễ cưới, chàng trai phải đi một đôi bông nở vì lúc đó em đã về ở "nhà anh". Hoặc để dạy những điều luân lý đơn sơ:
    Trồng trầu thì phải khai mương,
    Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Hay:
    Anh bảy đen, đồng bạc trắng,
    Em ham chi đồng bạc con cò,
    Đêm nằm với nó đen mò như cục than!
Nghệ thuật ca hát dân gian này rất được ưa chuộng ở miền Nam. Nó có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.
 
1.- Hò trên cạn:
Người ta hò trên cạn, khi cấy lúa, gặt hái hoặc đôi khi chỉ nhằm vui chơi giải trí. Đến mùa cấy, tiếng hò vang vang trên đồng từ tinh mơ đến chạng vạng tối. Nhiều cặp trai gái vì mê giọng hò của nhau mà kết thành chồng vợ. Các loại hò trên cạn này rất đa dạng và phong phú. Ta có thể kể hò cấy, hò giọng đồng, hò bản đờn, hò cống chùa v.v...
 
a.- Hò cấy:
    Ơ ơ hò ơ ớ...
    Kiến bất thủ như tầm thiên lý,
    Thương không thương (ờ) tự ý của nàng.
    Chớ đừng như (ờ) con Đắc Kỷ (ờ) mà theo (ơ) phò Trụ Vương (ơ)...
    Ớ ớ hò ơ ớ...
    Phụ mẫu anh đánh quằn đánh quại, đem anh ra (ờ) treo tại nhành dương (ơ)...
    Ớ hò ơ ớ...
    Phụ mẫu của anh biểu anh từ ai (ờ) anh từ đặng (ơ)
    mà biểu từ người thương thì anh không có (ơ) đành...
b.- Hò giọng đồng:
    Ớ... ngọn bù rầy ngọn dài ngọn vắn,
    Cải tần ô ngã dọc ngã ngang.
    Trái dưa gang sọc trắng sọc (ơ) vàng (ừ)
    Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh.
    Công anh đắp rẫy bồi (ơ) thành (ờ),
    Trồng cây dưỡng trái (mà) để (ơ ơ) dành ai (ờ) ăn (ơ)...
c.- Hò bản đờn: mô phỏng các tiếng đàn dân tộc, vui nhộn, nhịp nhanh:
    Em thương anh hổng biết thì để đâu nè!
    Ú liu phàn,
    Để trong mà họng súng nè,
    Ú liu phàn,
    Lâu lâu em bóp cò, bắn cái rầm.
d.- Hò cống chùa: nhanh, vui, mô phỏng tiếng tụng niệm kinh kệ của thầy chùa.
    Khoai lang lột vỏ chặt bỏ từ hai đầu nè!
    Nam mô phù!
    Có chồng mà thầy thuốc nè!
    Nam mô phù!
    Hôi mùi xạ hương!
    Nam mô phù, địa tạng du...


    2.- Hò trên sông nước:
    Miền Nam sông sâu nước chảy, kinh rạch chằng chịt nên những sinh hoạt trên sông nước rất phát triển. Từ đó phát xuất những điệu hò như hò chèo ghe, hò mái trường, hò mái đoản, v.v...
      Tàu xúp lê một anh còn mong đợi
      Tàu xúp lê hai anh than vắn thở dài.
      Tàu xúp lê ba tàu ra biển bắc
      Vịn song sắt nước mắt nhỏ bên (ơ ớ) đông...
      Mở miệng kêu bớ chú tài công,
      Chớ chú ôi làm chi cho phân vợ rẽ chồng (ơ) đêm năm canh...

       
    3.- Hò giao duyên:
    Rất được phổ biến và ưa chuộng. Trai gái mê nhau qua giọng hò mùi mẫn, tài ứng đối nhanh nhẹn, đồng thời cảm hóa nhau về đức hạnh, tính nết và sự cần cù. Loại hò này chia làm ba chặng diễn xướng. Chặng một là hò rao, hò dạo để tìm hiểu đối phương. Lời hò khiêm nhượng, từ tốn. Chặng thứ hai là hò đố, hò kết bạn, hò se duyên. Đây là giai đoạn chính của cuộc hò, rất sôi nổi, hồi hộp và hết sức hào hứng. Chặng ba là hò giã từ, hẹn nhau trong mùa cấy khác.
    Xin hãy nghe một cậu trai tỏ tình:
      Hò ơ...
      Bạc với vàng con đen, con đỏ.
      Đôi đứa mình còn nhỏ thương nhiều.
      Vừa nghe tiếng em là anh muốn như anh Kim Trọng,
      Anh Kim Trọng thương chị Thúy Kiều thuở xưa ơ...

       
    Cô gái đáp lại ngay:
      Hò ơ...
      Ớ người không quen ơi,
      Nghe anh, em cũng muốn thương nhiều,
      Nhưng hoa đà có chủ...
      Hoa đà có chủ..
      Cũng khó chiều dạ anh (ơ)...

       
    Dễ gì chịu rút lui, chàng trai hò tiếp:
      Hò ơ...
      Chim kia còn thỏ thẻ trên cành
      Nghe em nói vậy,
      Dạ không đành rẽ phân (ơ)...

       
    Cô gái tỏ ra phân vân:
      Hò ơ...
      Bình bồng giữa chốn giang tân,
      Bên tình bên nghĩa ờ...
      Bên tình bên nghĩa,
      Biết thân bên nào?

       
    Cậu trai được thế, nhào vô:
      Hò ớ ơ... em ơi,
      Nhứt lê, nhì lựu, tam đào.
      Bên tình bên nghĩa...
      Bên nào cũng đồng than.

       
    Thấy chàng trai có vẻ "xôm vô", cô gái liền làm cao:
      Hò ơ...
      Nói mà chơi vậy chớ,
      Gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu,
      Anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình.
      Con nhạn bay cao khó bắn,
      Mà con cá ở ao quỳnh cũng khó câu ơ...

       
    Bị thách thức, chàng trai đâu dễ chịu thua:
      Hò ơ...
      Ớ nầy em hai ơi, hãy nghe cho kỹ,
      Xưa nay gái không cưới chồng, trai không ở giá.
      Anh đoái thương nàng xinh đã quá xinh
      Buông lời cất tiếng nỉ non,
      Nếu như nàng lo việc cháu con,
      Sao không kiếm chốn trao thân gởi thế?
      Trên đời bá công bá nghệ, dưới lại là tứ thứ tứ dân.
      Làm người sao khỏi chữ lương nhân,
      Mà nàng đành chịu để phòng không chiếc bóng?
      Sách có chữ: phụ nhân nan hóa, ít kẻ yêu vì,
      Nên lấy chồng phải luận phải suy,
      Phải xem trong lóng đục.
      Đây đã đến thời, phải lúc,
      Hay nàng còn cúc dục cù lao?
      Hơ... ơ... để anh ngơ ngẩn ra vào,
      Thầm yêu trộm nhớ, dạ nào bỏ anh ơ...

       
    Anh chàng hí hửng tưởng mình đã ở thế thượng phong, nhưng cô nàng đáp lại ngay:
      Hò ơ...
      Ớ nầy anh nó ơi, Phận em giao phó cho trời xanh,
      Lấy anh thì em không lấy,
      nhưng cũng không đành làm ngơ...
      Hò ơ...
      Vốn em cũng chẳng bơ thờ,
      Em đã từng chọn trong lóng đục,
      nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên...
      Hò ơ...
      Vốn em cũng muốn lấy ông thày thuốc cho giàu sang,
      nhưng em lại sợ ổng hay gia hay giảm
      Em cũng muốn lấy ông thầy pháp cho ra đám,
      nhưng sợ ổng hét la ghê gốc.
      Em muốn lấy chú thợ mộc,
      nhưng sợ chú hay đục khoét rầy rà.
      Em muốn lấy ông thợ cưa cho thật thà,
      nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt.
      Em muốn lấy người hạ bạc,
      nhưng lại sợ mang lưới mang chài.
      Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai,
      nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới.
      Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi,
      nhưng sợ ảnh hay nói tức nói êm.
      Em muốn lấy anh đặt rượu làm men,
      nhưng lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi.
      Em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi,
      nhưng sợ ổng hay giọng quyển giọng kèn.
      Em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn,
      nhưng lại sợ nó nhiều điều thá, ví.
      Em muốn lấy ông lái buôn thành thị,
      nhưng sợ ổng kêu rêu mắc rẻ khó lòng.
      Em muốn lấy anh thợ đóng cột, đóng thùng,
      nhưng sợ ảnh hay trật niềng, trật ngõng.
      Em muốn lấy ông hương, ông tổng,
      nhưng lại ghê việc chống, việc gông.
      Em muốn lấy anh hàng gánh tay không,
      nhưng lại sợ đầu treo, đầu quảy.
      Em muốn lấy anh thợ đát, thợ đan,
      nhưng sợ ảnh hay bắt phải, bắt lỗi.
      Em muốn lấy anh kép hát bội,
      nhưng lại sợ giọng rỗi, giọng tuồng.
      Em muốn lấy anh thợ đóng xuồng,
      nhưng sợ ảnh hay dằn, hay thúc.
      Hò ơ... Mấy lời trong đục,
      chẳng dám nói ra.
      Có thày giáo tập dạy ở làng ta,
      hay khuyên hay điểm,
      hay dạy, hay răn.
      So đức hạnh ai bằng,
      Lại con nhà văn học,
      Sử kinh thày thường đọc,
      biết việc thánh hiền.
      Hò ơ...
      Gặp nhau em kết nghĩa liền,
      Không chờ chẳng đợi,
      cho phỉ nguyền phụng loan ơ...

       
    Nghe phân giải rõ ràng, chàng trai chẳng còn cách nào khác hơn là im lặng tôn trọng quyết định của nàng.
     
      II.- Những Câu Hát Ru Em
    Hát ru em, hát đưa em, hát ầu ơ là một loại hát ru phổ biến rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. Vào những buổi trưa vắng lặng, những đêm khuya yên tĩnh, những sáng sớm tinh mơ... cùng với tiếng võng đưa kẽo kẹt, giọng hát sầu ơ dịu dàng, vỗ về trìu mến của bà, của mẹ, của chị đã vang mãi trong lòng đứa trẻ từ ấu thơ đến tuổi trưởng thành.
     
    Trong khi hát, người phụ nữ đã gửi gắm tâm sự mình. Hoặc than thân trách phận vì bị chồng phụ bạc:
      Ầu ơ... ớ...
      Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
      Gió nào độc bằng gió Gò Công.
      Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
      Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

       
    Hoặc giãi bày niềm chua xót cho tình /duyên lận đận lao đao:
      Ơ ầu ơ...
      Cây da tróc gốc thợ mộc đang cưa,
      Anh với em tuổi tác đã vừa,
      Tại cha với mẹ kén lừa xui gia...

       
    Cũng có khi nó chỉ là những điều phổ thông:
      Ví dầu cá bống hai hang,
      Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu.

       
    Những bài học luân lý đơn giản:
      Chim quyên hút nhụy bông quỳ,
      Trời Nam lục tỉnh thiếu gì gái khôn.
      Con gái khôn lấy nhằm chồng dại,
      Bứt bông hoa lài cặm bãi cứt trâu!

       
      III.- Những Biến Thể Của Ca Dao Miền Nam
       
    Ngoài những điệu hò câu hát, ca dao miền Nam còn có những hình thức ca hát biến thiên theo sinh hoạt nông thôn như hát sắc bùa, hát lô tô, nói thơ, nói vè.
     
    Hát sắc bùa là loại âm nhạc nằm giữa truyền thống dân gian và chuyên nghiệp, chủ yếu sinh hoạt vào dịp Tết để chúc tụng. Mỗi nhóm hát sắc bùa có từ 4 đến 6 người, vừa hát vừa sử dụng trống cơm, sanh tiền và đờn cò. Vào khoảng 28 Tết, họ đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú nào mở cửa ngỏ thì vào dán lá bùa nơi cửa, rồi nổi trống phách lên hát mừng để nhận tiền thưởng. Tùy theo nghề nghiệp của gia chủ mà họ hát bài thích hợp. Sau đây là bài Chúc Nghề Làm Ruộng:
      Làm ruộng! Làm ruộng!
      Gặp trời mưa xuống,
      Gieo mạ đã xong.
      Bắt trâu dực nông,
      Cày cho đất bả.
      Kêu công nhổ mạ,
      Lại cấy cho dày,
      Lúa tốt thấy da,
      Một bông bảy nhánh,
      Gặt dư muôn ngân,
      Bán cho đặng giá,
      Năm mới giàu sang,
      Gia quan tấn lộc.

       
    Trừ tà trục quỉ thì có ông thầy pháp với những bài thần chú:
      Thần kim phục vong,
      Kiết mẹ chằng tinh
      Cư hải động oai cường,
      Chức thông biến hóa.
      Đã nên tài thái cả,
      Phải một mặt oai linh.
      Bữa bà ăn ba động yêu tinh,
      Khát nước uống sơn khê suối cạn... a...

       
    Tết đến thì tiếng hát lô tô vang vang xóm trên xóm dưới, thu hút đám trẻ con chạy đến:
      Đường Vương bị vây
      Tại Mộc Dương thành.
      Quan quân thất kinh,
      Giảo Kim viện binh,
      La Thông tảo Bắc,
      Đánh gắt chị Đồ Lư,
      Số 4 dư...

       
    Rồi người ta lại nghe những bài vè, hoặc để kể sự vật hoặc để tỏ thái độ phê phán hay biểu dương.
     
    Loại vè kể vật hay việc, ta có vè hoa, vè trái, vè chim, vè thú...:
      Nghe vẻ nghe ve,
      Nghe vè trái cây,
      Dây ở trên mây,
      Là trái đậu rồng,
      Có vợ có chồng,
      Là trái đu đủ, Chặt ra nhiều mủ,
      Là trái mít ướt,
      Hình tựa gà xước,
      Vốn thật trái thơm,
      ...
    Có cả vè nói ngược:
      Nghe vẻ nghe ve,
      Nghe vè nói ngược,
      Ngựa đua dưới nước,
      Tàu chạy trên bờ,
      Lên núi đặt lờ,
      Xuống sông bửa củi
      Gà cồ hay ủi
      Heo nái hay bươi,
      ...
    Nhưng phổ thông nhất, mục đích chính của vè là phê phán, truyền đi những tin tức thời sự nóng hổi, những giai thoại hoặc những gì liên quan đến thuần phong mỹ tục:
    Vè Hương Quản Rớt.
      Nghe vẻ nghe ve,
      Nghe vè Quản Rớt,
      Mặt tuồng ăn ớt,
      Làm bộ hơi lanh,
      Nghe hơi tiêu hành,
      Lò mò đi tới.
      Làm tuồng khách quới,
      Mà chẳng ai ưa,
      Uống rượu say sưa,
      Tiền không nhứt điếu.
      Bây giờ mới hiểu,
      Là đứa bãi buôi,
      Làm chức lôi thôi,
      Là Hương Quản Rớt.

       
    Một hình thức khác của ca dao là nói thơ. Lối nói thơ có lẽ chỉ mới xuất hiện ở miền Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19 nhưng có sức hấp dẫn lạ kỳ, phản ánh những sự kiện có thực trong xã hội, chẳng hạn Thơ Thầy Thông Chánh, Thơ Sáu Trọng, Thơ Hai Miêng...
    Thơ Thầy Thông Chánh
      Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
      Chép làm một bổn để mà coi chơi.
      Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tài,
      Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan,
      Đêm nằm nát một lá gan.
      Oán cừu biện lý không an trong lòng.
      Chừng nào rõ đặng đục trong,
      Giết đặng Biện Lý thì tôi mới đành.

       
    (Làng Văn)

Source E-Cadao

Monday, December 7, 2015

Lý Cây Ổi - Dân ca Nam Bộ - Trung Hậu


ẨM THỰC TRONG: CA DAO VIỆT-NAM

ẨM THỰC TRONG: CA DAO VIỆT-NAM
Hoài Bảo Anh Thư

Nói đến ca dao là nói đến niềm tự hào của dân tộc mình. Ca dao là văn chương dân gian dã dạng trải qua nhiều thế hệ lịch sử, đã được sinh ra trong những giai đoạn xã hội lúc bấy giờ và lưu truyền cho đến ngày nay. Ít có người biết đến được chính xác các tác giả, dù vậy ca dao đã là vũ khí chống lại những xâm nhập văn hóa trải qua sự đô hộ của nhiều thời đại. Ca dao Việt  Nam là thành trì bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Những câu ca dao tục ngữ, lời hò, hát dặm, bài vè thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau như xã hội, gia đình, tín ngưỡng, tình yêu, thiên nhiên .v.v... Ca dao Việt  Nam là một kho tàng vô giá, làm giàu thêm tiếng Mẹ Đẻ, chúng ta nên cố gắng và trang trọng gìn giữ. 

Là một người phụ nữ Việt  Nam, tôi luôn cố gắng để làm trọn bốn đức tính ‘Công Dung Ngôn Hạnh’ của một người con gái Việt  Nam. Bởi vậy, tôi đã xem việc nội trợ rất cần thiết, tôi rất ưa thích học hỏi nấu nướng những món ăn, thực đơn lạ. Ca dao Việt  Nam đã chứa đựng rất nhiều thú vị trong việc nội trợ qua các thực đơn mỗi miền. Bắt đầu từ miền Bắc, tha thiết với món thịt nấu đông cho ba ngày Tết, cũng như những món ăn mà ca dao diễn tả như sau:

Ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai  dãi nắng, dầm sương. 
Nhớ ai tát nước bên đường đêm nao!

Và rồi mỗi vùng đều có các món riêng cố hữu:

Chàng đi nhớ cháo làng Ghề.
Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên.
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần.
Cua Phụng Pháp, rau muống Hiên Ngang.
 
Hỡi cô thắt lưng bao xanh.
Có về An Phú với anh thì về
An Phú có ruộng tứ bề. 
Có ao tắm mát, có nghề mạch nha.
 
Ca dao Việt Nam thường ghép những món ăn nổi tiếng với những người sành ăn, biết thưởng thức để không uổng công người đầu bếp cũng như đem tình người thêm gần nhau:
 
Bồng bồng mà nấu canh tôm.
Ăn vào mát ruột, đêm hôm lại bồng.
 
Sáng ngày bồ dục chấm chanh.
Trưa gỏi cá chấy, tối canh cá chầy. 
 
Nhất trong là giếng làng Hồi.
Nhất béo, nhì bùi là cá rô râu. 
 
Canh cải mà nấu với gừng,
Chẳng ăn thì chớ xin đừng chê bai. 
 
Khế xanh nấu với ốc nhồi,
Tuy nước nó xám nhưng mùi nó ngon. 
 
Canh bầu nấu với cá trê
Ăn vô cho mát mà mê vợ già.
 
Tôi biết chắc rằng kho tàng ca dao Việt Nam rất bao la cũng như các món ăn, làm sao kể cho hết... thôi thì ăn ít mình sẽ thèm muốn thêm hoài hoài vậy...  
 
Bước vào miền Trung cổ kính, ca dao Việt Nam sẽ giúp chúng ta thưởng thức những món ăn của xứ Cố Đô:
 
Yến sào Vĩnh Sơn.
Cua gạch Quảng Khê
Sò nghêu Quan Hà
Rượu dâu Thuần Lý
 
Những ân tình hình như bị bỏ quên mỗi khi nhắc đến món rượu dâu rừng có vị chua chua, ngọt ngọt của miền Trung. Biết bao chàng trai đắm say men rượu thay men tình: 
 
Mang bầu đến quán rượu dâu.
Say sưa quên biết những câu ân tình.
 
Xứ Huế, đất Đế Đô, đất Thần Kinh không làm sao bỏ quên những câu ca dao bất hủ của các món như:
 
Ốc gạo Thanh Hà
Thơm rượu Hà Trung.
Mắm ruốc Cửa Tùng.
Mắm nêm Chợ Sãi.
 
Các món ăn theo ca dao cùng nhau vượt núi, vượt đèo Hải Vân:
 
Nem chả Hòa Vang.
Bánh tổ Hội An.
Khoai lang Trà Kiệu.
Thơm rượu Tam Kỳ.
 
Với đồi núi cao ngất, biển cả mênh mông, ca dao Việt Nam lại mang những món hải sản để trao đổi với những rau trái:
 
Ai về nhắn với họ nguồn. 
Mít non gửi xuống cá nguồn gửi lên.
 
Măng giang nấu với ngạch nguồn.
Đến đây nên phải bán buồn cho vui.
 
Cá nục nấu với dưa hường.
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi.
 
Thương em vì cá trích vè.
Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng.
 
Ca dao ngọt ngào hương vị khi về tới xứ Quảng, Qui Nhơn:
 
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Thi Phổ.
 
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.
 
Ca dao qua các món sơn hào, hải vị khi bước vào Khánh Hòa:
 
Yến sào Hòn Nội.
Vịt lội Ninh Hòa.
Tôm hùm Bình Ba.
Sò huyết Cam Ranh.
Nai khô Diên Khánh.
 
Thêm vào những món ăn của miền Trung qua ca dao Việt Nam còn có các món gỏi:
 
Chi ngon bằng gỏi cá nhồng.
Chi vui bằng được tin chồng vinh qui.
 
Trên non túc một hồi còi,
Thương con nhớ vợ, quan đòi phải đi.
Không đi thì sợ quan đòi.
Đi ra thì nhớ cá mòi nấu măng.
 
Đi ‘dzô’ tới miền Nam phì nhiêu, cò bay thẳng cánh, ca dao vẫn phong phú:
 
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà
Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh.
 
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc.
 
Ba phen quạ nói với diều.
Cù lao Ông chưởng có nhiều cá tôm.
 
Tháng tư cơm gói ra Hòn.
Muốn ăn trứng Nhạn phải lòn hang Mai.
 
Ca dao không những qua thực đơn mà còn có những điệu hò ru con của các bà mẹ:
 
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng.
Về sông ăn cá về đồng ăn cua.
 
Ví bằng con cá nấu canh.
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm.
 
Ca dao còn giúp những món rau cải được tăng thêm sự thèm muốn cho người dùng:
 
Mẹ mong gả thiếp về vườn.
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.
 
Khoan khoan mổ một con gà
Bí đao xắt nhỏ, tiêu cà bỏ vô.
 
Cũng như các ông thường thèm chút rượu đi đôi với:
 
Đốt than nướng cá cho vàng.
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
 
Món cá kho tiêu của miền Nam mà tôi học được, rất bình dân cũng lại là món mà tôi thích nhất. Cứ mỗi lần nấu món này, tôi vẫn thường sợ hàng xóm ngửi mùi. (cái mùi rất đặc biệt đối với dân Việt mình nhưng không mấy thân thiện cho người Mỹ!!):
 
Bậu ra bậu lấy ông câu.
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu.
Kho tiêu, kho ớt, kho hành.
Kho ba lượng thịt để dành Bậu ăn...
 
Sự dồi dào, phong phú của ca dao Việt Nam qua các thực đơn đã giúp cho việc nội trợ của tôi thêm phần thích thú mỗi khi vô bếp. Hy vọng rằng đã đem lại chút ít hứng thú cho người đọc và mong được bạn đọc chia xẻ những gì thiếu sót, cũng như ca dao Việt  Nam qua những khía cạnh khác như đời sống, gia đình, tình yêu, thiên nhiên v.v...
 
Source E-Cadao
 

Thursday, November 19, 2015

Quê hương qua Ca Dao: Ả Bán Thơm - Đinh Thức

Chúng ta biết đến Khánh Hòa miền Trung, Việt Nam với những phong cảnh nên thơ non nước hữu tình, những đặc sản nổi tiếng như trầm hương, kỳ nam

"Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, 
Trầm nơi Vạn Giả hương tỏa sơn lâm"
 
hoặc về thiên nhiên hoang dã
 
''Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”
 
Ngày nay Khánh Hòa còn nổi tiếng với món nem nướng Ninh Hòa, chả cá Vạn Giả được làm từ những con cá tươi ngon (cá mối - cá Thu) tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa...
 
Những câu Ca dao dưới đây còn cho ta biết thêm về một đặc sản nữa là thơm Vạn Giả (có lẽ là vì ngon ngọt lắm nên mới được truyền tụng và đi vào Ca dao)
 
"Thơm Vạn Giả ngọt đà quá ngọt,
Mía Phú Ân cái đọt cũng ngon
Hởi người chưa vợ chưa con
Vào đây chung gánh nước non với mình.
Quản bao lên thác xuống ghềnh,
Mía ngon, thơm ngọt đượm tình quê hương."
(Ca dao)
 
Cô ả bán thơm cũng được nhắc nhở cùng câu chuyện chua, ngọt
 
"Nói Nam thì ngọt, nói Nồm thì chua"
 
Có lẽ khách ăn nhằm trái chua mà được quảng cáo là ngọt nên mới sanh tiếng ăn thua chăng?
 
Ai về Vạn Giả, nhắn ả bán thơm
Thế gian lắm miệng lắm mồm
Nói Nam thì ngọt, nói Nồm thì chua
Thôi đừng uổng tiếng ăn thua
Gắng sao bán được đầu mùa là hay
(Ca dao)
 

Saturday, November 14, 2015

Liên khúc Lý Cây Bông - Dân ca miền Nam


Vẻ đẹp của con người Việt Nam qua ca dao, dân ca

Vẻ đẹp của con người việt nam qua ca dao, dân ca
 
Ca dao không những là tiếng nói chứa đựng tâm tư, tình cảm của người lao động mà còn là những kho tàng kinh nghiệm sống quý giá của muôn đời. Mở từng trang ca dao, chúng ta thấy hiện lên cuộc sống của người xưa trong sương mờ quá khứ. Trong đó, lời ăn tiếng nói của con người trong giao tiếp luôn được người xưa coi trọng và hiển nhiên đó là một trong những chuẩn mực đạo đức của con người.

Một trong những “tiêu chuẩn” hàng đầu của vẻ đẹp con người là “ăn nói” phải mặn mà, phải có nét duyên:

“Một thương tóc bỏ đuôi gà.
Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên”.

Quan niệm xưa cho rằng “tóc bỏ đuôi gà, má lúm đồng tiền” là vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp bề ngoài; còn “ăn nói mặn mà có duyên” là vẻ đẹp của tâm hồn bên trong, luôn bền vững với năm tháng, với thời gian… Song song đó, hình ảnh “người khôn” được nhắc đi nhắc lại với tần suất cao trong ca dao cũng là một điều cần lưu ý. “Người khôn” ở đây không phải là hạng người “khôn lỏi, khôn vặt” ; sống ích kỷ, nhỏ nhen mà là những con người sống có nhân nghĩa, biết đối nhân xử thế đúng mực, đúng chuẩn ở đời.

Người xưa từng nói “lạt mềm buộc chặt” – lời nói ngọt ngào, dịu dàng bao giờ cũng mang ấn tượng tốt, mang lại cảm tình, niềm vui giao tiếp cho người được tiếp xúc:
 
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”.

Ca dao còn nhắc nhở, khuyên nhau khi nói phải lựa lời, chọn lời, cân nhắc ý tứ. Lời nói luôn có sẵn, đối với từng trường hợp cụ thể mà chúng ta dành những “lời hay ý đẹp” cho nhau.

Có niềm vui nào hơn khi trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn được nghe những lời nói đẹp, những lời nói hay, sâu sắc, để cho con người sống thương nhau hơn, gần gũi nhau hơn:
 
“Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Có môi trường sống tốt ắt có nhiều lời nói hay, nói đẹp – bởi môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người:

“Đất tốt trồng cây rườm rà.
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”
 
“Người thanh tiếng nói cũng thanh.
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”

Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi, mỗi việc làm, lời nói đều bộc lộ phần nào phẩm chất, đạo đức, nhân cách của con người. Một khi lời nói đã thốt ra thì không bao giờ lấy lại được nữa! Câu “nhất ngôn hạ xuất, tứ mã nan truy” đủ để biết sự cẩn trọng đến nhường nào trong lời ăn tiếng nói ! Vì vậy, phải giữ đúng lời hứa, không vì lý do gì mà thay đổi. Bởi giữ lời hứa là giữ uy tín, danh dự, thể diện của bản thân:

“Nói lời phải giữ lấy lời.
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”

Có khi người xưa khuyên răn nên “nói ít làm nhiều”, đừng “nói nhiều làm ít” kẻo mang tiếng cười, tiếng chê bai:

“Nói chín thì phải làm mười.
Nói mười làm chín kẻ cười người chê”.


Mặt khác, cũng cần tránh lối nói lấp lửng, nửa úp nửa mở; khiến cho người nghe áy náy, phân vân, không rõ thực hư thế nào, gây phiền muộn cho nhau:

“Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo”

Bên cạnh đó, người xưa dạy những điều thật thấm thía: đó là khi nói, cần biết dừng lại khi cần; đừng nói dông dài “con cà, con kê” ắt sẽ làm cho người nghe nhàm chán, mất hứng thú:

“Rượu lạt uống lắm cũng say.
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”

Trong gia đình, trong làng xóm, trong quan hệ cộng đồng – sự ôn hòa, nhường nhịn là cái gốc của cuộc sống yên vui. Xưa có đôi câu đối rằng:

“Nhất cần thiên hạ vô nan sự.
Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa”
 
(Chăm làm, thiên hạ không việc khó.
Tốt nhịn, gia đình lắm vẻ vui).

Bài học mà ca dao dạy chúng ta thật nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc:

“Kim vàng ai nỡ uốn câu.
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”.

Đúng vậy, nói nhau làm chi nặng lời bởi trong tình huống nào cũng rất cần chữ “nhẫn” như người xưa khuyên nhủ “một câu nhịn, chín câu lành”.

Trong cuộc sống, biết bao điều phức tạp nảy sinh và lời ăn tiếng nói có tầm quan trọng hàng đầu. Tìm hiểu ca dao, chúng ta càng cảm phục cha ông, càng thấm thía những lời dạy được truyền từ đời này qua đời khác mà luôn luôn giữ nguyên giá trị của nó trong sự nghiệp xây dựng con người mới hiện nay.

Source VanMauVietNam

Tuesday, November 3, 2015

Quê hương qua Ca dao: 10 Yêu - Đinh Thức

Một yêu tóc để đuôi gà
Hai yêu lời nói mặn mà có duyên
Ba yêu má lún đồng tiền
Bốn yêu răng lánh hạt huyền kém thua
Năm yêu cổ yếm đeo bùa
Sáu yêu nón thượng quai tua dịu dàng
Bẩy yêu nét ở khôn ngoan
Tám yêu ăn nói lại càng thêm xinh
Chín yêu em ở một mình
Mười yêu con mắt hữu tình với ai
 

 

Wednesday, October 21, 2015

[HD] Đêm qua nhớ bạn - Quan Họ Bắc Ninh


Quê hương qua Ca dao: 10 Lo - Đinh Thức

Một lo đứng cửa trông xa
Hai lo đi lấy chồng xa xứ người
Ba lo sợ chị em cười
Bốn lo cơm trắng, cá tươi để dành
Năm lo lúc tử, lúc sanh
Sáu lo con gái dặm hành đường xa
Bảy lo nhớ cửa nhớ nhà
Tám lo còn chút mẹ già ai nuôi
Chín lo chẳng biết có vui
Mười lo chẳng biết ai xuôi trở về.


Wednesday, October 14, 2015

Cái tình trong Ca Dao Việt Nam - Võ công Liêm

Cái tình trong Ca Dao Việt Nam
Tác giả: Võ công Liêm

Ca dao là tiếng nói trung thực, phản ảnh rõ nét nhất trong văn chương bình dân, được miêu tả sự việc xẩy ra hằng ngày giữa cuộc đời và trở thành những câu hò, điệu hát của nhân gian như những bản tình ca bất diệt,  đượm màu thế tục; tình yêu, tình đời với một ẩn dụ tự nhiên làm cho người ca ngâm cũng như người nghe có một cảm nhận gần gủi, tuyệt vời. Ca dao còn hóa giải mọi tình huống uẩn khúc, lời ca ấy làm cho con người không còn cảm thấy đau khổ nữa “L’homme souffre, mais en chantan sa souffrace, il la dépasse”.

Vì vậy; nói đến văn chương bình dân chúng ta không thể quên thi ca bình dân mà ca dao nắm một vai trò chủ lực và những thể loại quen thuộc, không ước lệ, không qui cách, tuy nhiên lời thơ của ca dao vẫn giữ đúng vần điệu có khi rất chuẩn về luật bằng trắc nhờ đó mà dể đả thông tư tưởng, trực chỉ vào lòng người một cách sâu lắng.

Ca dao là ca hát, tự nó trở thành khúc đi thẳng vào lòng và bày tỏ được nội giới dù dưới một không gian hay thời gian nào ngoài ra ca dao còn là gia-huấn-ca, một tâm lý đạo đức, dạy làm người… đôi khi văn thơ phải mượn ngôn từ của ca dao để nói lên cái tình người, tình đời một cách chính xác hơn.

                                               Công cha như núi Thái Sơn
                                      Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

giáo dục con trẻ khi mới lớn:

                                               Trai thời trung hiếu làm đầu
                                          Gái thời tiết hạnh làm câu giao tình

hoặc một ý nghĩa thâm sâu khác:

                                                Cá không ăn muối cá ương
                                           Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Những câu ca dao lục bát như thế ắt phải nằm sẳn trên môi của mọi người một cách dể dàng và thông đạt lắm!
                                                    
Đó là cái nhìn nội giới trong ca dao mà mỗi khi chúng ta phóng vào hiện tượng; đó là bản thể của “cái tình” trong ca dao. Tuy mỗi câu hò điệu hát có khác nhau nhưng cái nhìn của tình yêu vẫn là một và cái gặp gỡ đó, nói chung; là cái đồng tình bất biến của con người. Sự gặp gỡ chính nơi lòng ý thức, nơi thức tỉnh của ý thức trước những hiện hữu đời và gia đình hay chính là nơi những gì mà con người kêu lên thiết tha hay để bộc lộ sự thống khổ. Hình ảnh của thi ca nói chung và của ca dao Việt Nam nói riêng là tiếng kêu thức tỉnh của con người tạo nên, dùng để ví von của người dân quê trước cuộc đời. Mà cuộc đời này; con người đã gắng bó chặt chẽ trong mọi hoàn cảnh trong mọi tình huống của đời người, từ những tình cảm của cái tình đó đã nói lên được một cái gì âu yếm và thầm kín.

                                            Anh đi ba bửa nhớ về
                                     Rừng sâu nước độc chớ hề ở lâu

Hình ảnh “anh đi ba bửa” rồi "chớ hề ở lâu" nó biến ca dao thành thi ca, từ những hiện tượng thực thể biến thành tha thể xuất phát từ ngoại giới đi vào nội giới giữa mối liên hệ tha nhân và chủ thể nó cặp kè, sánh vai trong hoàn cảnh đối đáp để nên vợ nên chồng, ca dao không còn hiện diện với ca với hát mà biến dạng thành hò, câu hò trực diện với thực tại như một sự hiến dâng!

                                            Trai nào nỗi tiếng anh hào
                                 Anh mà đối đặng má đào em xin trao ơ…ơ

Cái vũ trụ mộng mơ ấy hoàn toàn ở trong đôi mắt chiêm ngưỡng của con người khi phóng cái nhìn vào tương lai giữa sự viên mãn của tình yêu. Vũ trụ này chưa hiện thực rốt ráo nhưng đã xuất phát một ước vọng thực hữu. Hình ảnh cuộc đời không bị tha hóa mà bắt nguồn từ vũ trụ thực hữu; vì vũ trụ ấy có thực trong cuộc đời này.

                                            Trai nước Việt nỗi tiếng anh hào
                                 Anh đà đối đặng vậy má đào xin trao dâng ơ…ơ

Hẳn nhiên; ý thức giữa trai gái rất đặc thù trong phạm vi lứa đôi, nói trắng ra là tình yêu qua mọi lứa tuổi, đặc biệt tình yêu nông thôn, ý thức ấy bừng lên từ cuộc sống và chiếu sáng cuộc sống đó là lối tả chân mà cảnh đời không có hoặc chưa có nên chi vũ trụ dự ước của con người cũng là những cảnh đời có thực mà được phóng nhiệm lên cảnh đời có thực trong ca dao. Cho nên ca dao phát ra giữa chốn đồng quê, giữa nơi xa phố thị tự nó dâng tràn trong nhân gian, vì thế tìm đến một tác giả trong ca dao đều trở nên không cần thiết và có muốn biết chăng nữa cũng không được vì mọi người đã đi vào cảnh đời một cách tự nhiên và tự nhiên như mình là tác giả vậy! Nó vượt thoát cả không gian và thời gian kể cả hiện tại, quá khứ và tương lai, vượt thoát từ những người sáng tạo ra ca dao, ca dao bỗng nhiên độc lập để tạo cái đắm đuối, rụt rè, e lệ nhưng đầy tính lãng mạn cho dù mối tình chân lấm tay bùn.

                                            Ngó em chẳng dám ngó lâu
                                        Ngó qua một chút đở sầu mà thôi!

Cái ngó ấy là cái ngó thức tỉnh, một cái ngó của kẻ tình si và cũng là cái nhìn mơ mộng của người đồng quê đứng trước cuộc đời có thực. Chính đó là sự sáng tạo của ca dao. Nói đến mơ mộng hình như chúng ta đụng phải một phản ứng tâm lý. Theo tâm lý học giải thích: khi mơ mộng thì đó không phải là một trạng thái thức tỉnh. Tâm lý học quan niệm như thế nầy "En suivant la pente de la reverie" Tiếp đó là cái mơ về của ý thức thức tỉnh “đở sầu” nằm trong ý thức mơ về (rêver à/daydreaming) mà ở đây mơ không có nghĩa là buông xả theo giòng đời và chìm dần trong mộng để rồi mất luôn tính sáng tạo nghệ thuật vì ý thức thức tỉnh thường đối lập với ý thức thức tỉnh nghệ thuật và làm lu mờ ý thức mơ về cho dù trong chiêm bao chăng nữa đã cho thấy một ý thức thức tỉnh.

                                              Một duyên, hai nợ, ba tình
                                     Chiêm bao lẫn quất bên mình năm canh

Thành ra mơ chiêm bao ở đây là cái nhìn sáng tỏ của cái mơ về giữa duyên, nợ và tình đã bừng lên trong ý thức về thân phận của người phụ nữ.

Mơ về hay chiêm bao không còn là mối sầu buông xuôi của tâm lý học mà trái lại mơ và chiêm để phóng thể ngôn từ "bên mình năm canh" trong giấc mơ nữa đêm trở nên ý thức chớ không phải chiêm bao vô thức.

Trong cái nhìn vũ trụ quan như thế đã cho ta thấy được ca dao là một lối sáng tạo hết sức đặc biệt mà chất liệu là cảnh đời, cô đọng trong từng câu hò điệu hát mượn từ ca dao để mơ về…

Ca dao không đòi hỏi tác giả là ai, nó đã trở thành của chung, tác giả chung giữa cuộc đời này mà trong thi ca vốn có sự bừng tĩnh đầy sáng tạo, ca dao đại diện cho những cuộc tình trọn vẹn hay tan hợp, nói lên nỗi nghẹn ngào, uất nghẹn tất cả qui về sự mơ về cõi thực để tìm thấy được chân lý của cuộc đời. Giờ đây ngôn từ sáng tạo của ca dao đã thành thơ, những thể thơ mới như ngày nay.

                                                  Cá lý ngư sầu tư biếng lội
                                        Chim phượng hoàng nhớ cội biếng bay
                                            Anh thương em đừng vội nắm tay
                                                   Miệng thế gian ngôn dực
                                                       Phụ mẫu hay sẽ rầy

Ca dao như thế đấy! mỗi khi đọc lên đã cho chúng ta cái cảm giác tợ như ức chế, như phụ rẫy như khoa phân tâm học quan niệm. Lối thoát bằng ức chế chỉ xẩy ra với cảnh đời, những người bị tập quán kiềm chế mới lâm vào khát vọng của bản năng cho nên mới tìm lối thoát bằng lối này hay hình thái khác để tránh né. Quan điểm đó đôi khi cũng có tính võ đoán và không hoàn toàn đúng hẳn, cho nên đừng để cái nhìn ức chế vào đây. Vì sao? Vì “anh thương em” có nghĩa là đừng vội đánh mất cái đẹp mà đây là tiếng nói mặn mà, bất luận ở đâu nơi chốn nào người phụ nữ Việt Nam đoan trang trong tiếng nói ấy tức tiếng nói của ca dao, tiếng nói soi sáng, tiếng nói của ái tình.

                                                       Em có thương anh
                                                     Em nói cho thiệt tình
                                                        Để anh lên xuống
                                             Ơ…ơ chớ một ơ…ơ mình ơ bơ vơ

Đó là một thứ gì vô biên chân thật của tình đồng quê một bày tỏ cao nhất trong đời nhưng biết nói làm sao khi ý thức vô biên chưa có thì nói làm sao khi cái nhìn tuyệt đối chỉ ngưng trong hiện tượng của đất trời cho nên họ không ngần ngại bộc bạch một cách chân tình cho dù ngập ngừng bày tỏ “ơ. .  ơ chớ một ơ. .  ơ mình ơ. . bơ vơ” Ca dao nông thôn nó diễn tả tích cực như thế đó! diễn tả cái mùi vị chất phát mặn mà, đượm bạc, cái ngập ngừng dể yêu ấy.

Đó là hướng đi lên của ngôn từ ca dao Việt Nam thoát ra từ tiếng nói văn chương bình dân để đạt tới hiệu năng của sự bày tỏ. Cho nên hình ảnh của ca dao; dù sao đi nữa nó vẫn có cái mới của riêng mình, mở ra một ngôn từ sáng lạn và nó cũng đánh dấu những bước thăng trầm của sức diễn đạt giữa người với người, những hình ảnh của ca dao vô hình chung trở nên tư liệu của cảnh đời: người, cảnh vật, nhân sinh và tình yêu. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng nhờ ý thức chuyển vị đẹp đẻ đó của con người cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn “the beautiful-life” nhờ đó tình cảm con người được tỏa rạng. Cho nên khi bắt gặp một hình tượng trong ca dao, dù có mộc mạc bao nhiêu cũng mở rộng cho chúng ta một chân trời mới đầy ý nghĩa hơn nhất là tình yêu có một sắc màu luôn luôn lung linh của người con gái xuân thì dưới một cái gì lả lướt của ca dao. Ngôn ngữ ca dao rất cô đọng và tràn đầy.

                                             Tóc em dài em cài bông hoa lý
                                          Miệng em cười anh để ý anh thương

Ý nghĩa của ca dao là ở cái chỗ mộc mạc đơn sơ nhưng lại là một sự thức tỉnh nội tại, một sự khám phá của con người vừa hào hứng vừa can đảm mà chúng ta phải đón nhận như chính chúng ta đón nhận cuộc đời này. Đó là cái nhìn khám phá:

- Khám phá nội tâm bằng cái nhìn ngoại giới.

- Khám phá ngoại giới bằng cái nhìn nội tâm.

Chính hai cái nhìn tuy nghịch đảo nhưng bổ sung cho nhau để nhìn thấy giấc mơ của người nghệ sĩ ca dao.  Đó là một vũ trụ hiện thực để góp phần hạnh phúc cho đời.

Cho nên cái mộc mạc của nông thôn đã làm cho họ cảm thấy hạnh phúc, sung sướng và mỗi câu ca dao nói lên cảnh đời; dù trong mơ vẫn trung thực với đời. Vì vậy cái nhìn của họ như bao trùm từ ngoại giới đến nội giới đều đúc kết thành lời thơ, lời thơ đó chúng ta gọi là ca dao.

                                                Nàng về nàng nhớ ta chăng
                                          Nàng về ta nhớ hàm răng nàng cười

Mỗi lúc cái nhìn hay cái nhớ càng phóng ra rộng rãi, càng thấy cuộc đời đẹp và bao la diệu vợi, kể cả nụ cười nhe răng "cần cẩu" vẫn là niềm nhớ không quên, bởi vì; chán gì những cái nhớ mà lại đi nhớ hàm răng em cười, biết đâu trong cái nhớ đó có một chút gì lãng mạn của ca dao(?), tầm thường thật nhưng bao la và mênh mông vô cùng đối với ngôn từ của ca dao.

Thật ra đi vào cuộc đời, đi vào vũ trụ không dể dàng như thế mà chính là một sự khám phá không ngừng. Trong sự khám phá ấy, con người bắt gặp vừa mình vừa vũ trụ một lối khám phá tìm ra được hai hiện tượng.  Đối tượng của sự tìm gặp chính là khám phá cái nội giới mà ca dao lãnh một phần trách nhiệm trong ngôn từ(kể cả đối thoại) và ý nghĩa. Nhưng trong hai tượng ấy người ta có thể phân biệt được;

- Bản ngã tự tại

- Vô ngã vũ trụ

Những cái vô ngã vũ trụ được hữu ngã hoá cho nên cái bản ngã tự tại ngay phút đầu đã trở thành cái vô ngã của bản ngã. Đó là sự cố đã khua động bản ngã của con người để sáng tạo và giúp cho con người thực hiện câu thơ để chia xẻ với tha nhân; con người đã nhìn cái đẹp một cách siêu thoát đó là cái vô ngã được hữu ngã hoá nhờ cái nhìn của bản ngã từ “một thương cho tới mười thương” là đề cao cái đẹp phong phú vừa cao đẹp vừa thẩm mỹ học và chính cái tôi bày tỏ lại đứng sau và được hữu ngã hoá vũ trụ để làm tan biến ngoại giới mà trở về với bản ngã mà không có cái tôi trong đó.

                                               Một thương tóc bỏ đuôi gà
                                        Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
                                               Ba thương má lúm đồng tiền
                                     Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
                                               Năm thương cổ yếm đeo bùa
                                      Sáu thương nón thượng quai thao dịu dàng
                                               Bảy thương nét ở khôn ngoan
                                        Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
                                                Chín thương em ở một mình
                                        Mười thương con mắt đưa tình với anh

Do đấy con người của ca dao là con người của cuộc đời, của vũ trụ chớ không phải con người chỉ là con người như một ý thức bi đát về người. Lối về của vũ trụ đã chiếm cứ hiện tượng bằng bản ngã của mình, chính là lối đi về của tình thương, cái tình mà con người tìm thấy; tất cả ca dao là ở chỗ ấy và có thể nói ca dao có hai bề mặt là bản ngã và vô ngã cả hai mảng nầy dùng để xoa dịu những xót thương hay thương mong về tình cảnh khi con người mới dấn thân vào đời và vũ trụ. Bởi vì tâm thức và trí tưởng của ta đủ khả năng giúp ta sáng tạo những gì mà ta nhận thức được.

Từ những vị trí đó giấc mơ về vũ trụ giúp cho con người thoát được thời gian, không còn thấy sự lôi cuốn của thời gian. Từ bản thể nhìn ra đó là trạng thái của tâm thức và ca dao mở rộng trước mắt ta bằng hiện tượng của trạng thái tâm hồn.

                                                  Chiều chiều ra đứng ngõ sau
                                               Ngó về quê mẹ ruột đau chít chìu

Tất cả là biểu tượng để biểu dương trạng thái mơ về (Rêve a/daydreaming) đó là trạng thái thắc mắc về nhớ thương. Đấy là tâm hồn hiến dâng cho vũ trụ “chiều chiều” là  thời gian thuộc khách thể, trong cái đau đớn “ruột đau” là thế giới của nội tại. Với ca dao những ngôn từ thường chứa đựng một nội dung mới của từ ngữ đều qui định một tâm thức trước cuộc đời và vũ trụ.

Mọi sự vật đều hướng tới với con người và đó là cơ hội để người nghệ sĩ đưa vào ca dao những khát vọng yêu đương một khát vọng đầy hứa hẹn, như cuộc tình hay cuộc đời mong muốn.

                                                    Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
                                                       Đèn Mỹ Tho ngọn đỏ ngọn lu
                                                            Anh về học lấy chữ nhu
                                                   Chín trăng em đợi mười thu em chờ

Đó là hiện thực của sự bày tỏ về cảnh giới giữa thành thị với nông thôn và ngôn từ của cuộc sống đã lý giải cái tâm sự tha thiết và chân thật của người yêu, chân thật ở cái chỗ ẩn dụ đó. Người nghệ sĩ bình dân sắp xếp ngôn từ trong thơ để có cái nhìn sự vật và chính cái nhìn đó thoát ra một số tâm lý của con người và chính cái tầm thường đó chẳng hạn như “râu tôm” hay "ruột bầu" ở những nơi thôn dã đìu hiu được người nghệ sĩ cho sống lại cái tình chân đó như một đòi hỏi cần thiết mà nghe rất bình dị của lớp người muôn đời trong ao tù nước đọng. Ca dao bình dân nói lên được cái khát vọng đó mà nhà thơ bình dân của chúng ta hoà nhập một cách tài tình giữa vũ trụ đầy khát vọng tình người.

                                                            Râu tôm nấu với ruột bầu
                                                  Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Đọc lên ta cảm nhận được phần nào lẽ sống, một lẽ sống nồng đượm của tình yêu khát khao đi từ chủ thể con người đến cuộc đời. Ca dao diễn đạt được cái mối giây liên lạc ấy. Mối giây đó không phải hai chiều giữa người và sự vật. Vũ trụ khát vọng của ca dao là hình ảnh cuộc đời mà con người mơ về một cái gì tầm thường nhưng ước sống. Ca dao tạo được cảnh giới mơ về cho những người thành thị và những người xa tầm vóc bình thường. Ngay cả việc mơ về của tình yêu trong cái dung dị đó nó đã hàm chứa một tương lai, một lối đi về của cuộc đời. Mơ về ở đây là cuộc đời có thực chính đấy là phần ý nghĩa hiện hữu của con người. Ca dao tạo nên những giấc mơ hiện thực như vậy đó;  cho nên cuộc đời mà ca dao vốn có ý nghĩa và sống có ý nghĩa để đưa tới cảnh đời hiện thực.

                                                                Trầu vàng ăn với cau xanh
                                                        Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời

Cho nên văn chương bình dân thường nói lên tâm trạng khát vọng đôi khi nó pha lẫn màu sắc triết lý tiềm ẩn trong ca dao, nó có cái gì mầu nhiệm trong cuộc đời tình ái, đầy bí ẩn trong cái nhìn ẩn dụ (metaphorical) của con người đó là biện-chứng-tức-thì trong mỗi tâm trạng, một tình cảm đơn thuần. Nhưng với triết học có một sự tương quan tối thiểu giữa ta và cuộc đời như một tương quan giữa chủ thể và tha thể; đó là tương quan giữa con người với cuộc đời. Nên chi vượt qua cái nhìn đối tượng và cũng nhờ cái nhìn đó mà vượt qua được giới hạn để đi tới một giá trị trực tiếp.

Duyên, nợ, tình là khát vọng của tình cảm song hành với công việc và sự vật đó là cái nhìn mơ về của hạnh phúc, một gắn bó thực hữu giữa tình yêu vợ chồng một lối mơ về của ca dao, một khát vọng trung thành phát xuất từ cảnh đời hiện thực cho nên lối mơ về đó tạo nên một hiện hữu đồng nhất giữa người và vũ trụ. Con người trôi chảy vào đời nhờ những hình ảnh thuần đơn mà khát vọng đó đã tạo nên thơ; một nguồn thơ nhất thể. Thành thử vũ trụ khát vọng của ca dao là vũ trụ bắt nguồn từ cuộc đời thực hữu để tiến tới khát vọng. Vì thế ca dao là tiếng kêu chân thành của con người ham sống, yêu đời, yêu người. Ca dao không yêu cầu cái ủy mị đài các, mơ mộng viễn vông, ca dao đi gần với quần chúng, nhất là đồng bào miền quê và hoá giải mọi uẩn khúc, vui buồn đưa con người về với hạnh phúc. Tác giả của ca dao muốn vậy! Đó chính là cuộc đời mà người nghệ sĩ miền quê yêu cầu.

                                                  Sớm mai gánh nước mờ mờ
                                               Đi qua ngõ giữa tình cờ gặp anh
                                                   Vào vườn hái quả cau xanh
                                                Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
                                                     Trầu nầy ăn thật là cay
                                                Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
                                                  Dù chẳng nên vợ nên chồng
                                          Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
                                                  Cầm lược thì nhớ tới gương
                                           Cầm trầu nhớ túi, nằm giường nhớ nhau.

Ca dao còn là hình ảnh, ở đây là những hiện tượng của bản thể. Do đó hình ảnh không còn là hiện tượng đơn thuần mà hiện tượng có nội dung cho nên mới được gọi là hình ảnh. Chính những chất liệu trong ca dao đã tạo nên hình ảnh, hình ảnh của vật thể, hình ảnh của vũ trụ, hình ảnh của tình yêu. Đó là những cái nhìn khai phóng của chúng ta để tìm ra cái nội dung đó; với cái nhìn của ca dao luôn luôn có sự ẩn dấu, tiềm ẩn, đẩy cái hình ảnh đó như thúc dục người nghệ sĩ ca dao phải ẩn mình, đấy là cái nhìn thuở ban đầu. Cái nhìn hai chiều song phương từ bản thể đến hiện tượng để rồi từ hiện tượng qui về bản thể tạo nên một nội dung hình thể như thế là cái nhìn trực tiếp của ca dao nói riêng và thi ca nói chung do đó những sự vật cùng từ ngữ tham dự vào cuộc đời và tạo nên hình ảnh và từ hình ảnh tạo nên ý nghĩa của mình. Cái nhìn đồng hoá mình với sự vật như vậy là cái nhìn trực tiếp đi vào bản thể không cần tìm đến bản thể mà thấy hiện tượng từ bản thể và từ đó tình yêu được bừng sáng lên và hiện hữu “Tôi đặt trái táo trên bàn, rồi tôi hoà mình vào trong trái táo.  Ôi! tuyệt vời biết là bao…” (Henri Michaux). Tuy không trực tiếp bằng cái nhìn phối hợp của ca dao nhưng cũng tương đồng ý nghĩa. Tâm trạng đó người ta gọi là ý thức biểu tượng.

                                                      Qua đình ghé nón trông đình
                                           Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu

Cho nên cái nhìn trong ca dao dù chỉ là cái nhìn ban đầu là truyền thừa vào biến trình diễn đạt của dân tộc, nội dung ý nghĩa vẫn còn vang vọng nhờ những hình ảnh đó. Cái ngôn từ trong ca dao Việt Nam trước sau vẫn vướng vít hình ảnh của tình yêu mà ca dao là môi giới trong lãnh vực của tình yêu.

Kết.

Ca dao là mạch thở của thơ, là nguồn sáng tạo vô tận, là ngôn từ của văn chương bình dân chứa đựng hết thảy tình người trong đó. Ca dao càng mộc mạc bao nhiêu thì càng chan chứa bấy nhiêu, ca dao không đỏm dáng, chải chuốt bóng bẩy mà thường xử dụng những ngôn từ thực tế của cuộc đời, mà chúng ta thường gắn liền với nhau: con người và cuộc đời, nó trở thành như định lệ. Nhưng nghĩ cho cùng đó chính là sức sống, chính bản thể thôi thúc, con người với hiện tượng tình yêu và từ hiện tượng nầy thoát ra hiện tượng khác bằng ý thức bản thể có ý hướng của mình. Valery có lần nói: "Le vrai poète est celui qui inspire" Giòng thơ thực chỉ đến với người có tâm hồn bộc phát; người nghệ sĩ ca dao thực thi đúng tinh thần ấy, đó là ca dao khua động bản thể của con người, gợi lên sức sống để đi vào cuộc đời và hoà mình với hiện tượng rồi từ hiện tượng ấy hoà mình với sự vật để đột biến thành hình ảnh cho ca dao, lúc đó sự hiện diện của ca dao sáng tỏ không còn gì gọi là ẩn tàng hay ẩn dụ nó biến thành thi ảnh mang nội dung ý nghĩa biến động của bản thể con người. Do đó ca dao trở nên hiện hữu như ta đã thấy trong ca dao.

Cho nên những nhà nghệ sĩ nông thôn, không phải là nhà nghệ sĩ của văn chương bác học mà họ từ những người thợ cày, thợ gặt, trẻ chăn trâu đều có con mắt nhìn vào thực tế, họ nhìn thấu suốt giữa người và vật, ca dao nông thôn đầy cảm hứng thi vị. Nghệ sĩ ca dao bình dân thể hiện được ý thức đó nghĩa là muốn xây dựng một hình ảnh phải phóng bản thể của mình vào hiện tượng cho bản thể sống trong hiện tượng và trở thành hiện tượng của bản thể và cho sự vật là ta như ta trong sự vật. Vì đó; là khi bản thể giao tiếp với cuộc đời.

Tóm lại ca dao đã du nhập những giòng thơ của văn chương bình dân, biến hình từ câu hò điệu hát, trao đổi, hò đối đáp, cắt xén, rút gọn, dể dàng truyền khẩu từ đó được gọi là ca dao, nó thường mô tả tình người dưới muôn hình vạn trạng, từ nội giới tới ngoại giới. Đấy cũng là một phần bản thể dân tộc, một văn hoá văn minh truyền thống. Điều đặc biệt của ca dao, ngôn từ không ước lệ, ca dao nói những gì thực hữu giữa cuộc đời, nương theo chiều sáng tạo của thi ca qua bao thế kỷ và chế ngự cả thơ Việt lẫn thơ Đường bằng những câu rất đơn sơ mà đầy ý nghĩa và đi sâu vào mọi tầng lớp trong xã hội một cách dể dàng và nhanh chóng. Một ngôn từ thiết tha, một đường giây giữa nội tâm và ngoại giới. Đó là nhân tố trong văn chương bình dân Việt Nam. Một thứ triết lý của văn chương bình dân cần phải tô điểm và nghiên cứu chiều sâu của nó . /.

@ VÕ CÔNG LIÊM
Post ngày: 04/28/15
Nguồn: cadaotucnguvietnam