Wednesday, June 21, 2017

Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao

Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao 
Khuyết danh  

Biểu trưng nói một cách đơn giản là dùng cái A để nói cái B. Chẳng hạn, cặp biểu trưng "cá chậu - chim lồng" biểu trưng cho cảnh tù túng của một ai đó, trong ca dao thường có biểu trưng cho người con gái có chồng (mà không hạnh phúc).

Biểu trưng bao giờ cũng gắn với văn hóa tộc người và vùng đất bởi quá trình biểu trưng hóa (quá trình liên tưởng so sánh giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt) bị sự chi phối của môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Xuất phát từ luận điểm này, chúng tôi tìm hiểu tính cách người Việt Nam bộ qua các biểu trưng ca dao.

Biểu trưng với tinh thần trọng nghĩa khinh tài

Trọng nghĩa là tinh thần của những con người nghĩa khí, những con người sẵn sàng xả thân mình để cứu người, để làm những việc mà họ cho là hợp với đạo lý và lòng trung thành. Lục Vân Tiên, Hớn Minh của Nguyễn Đình Chiểu cũng là những nhân vật được xây dựng trên tinh thần "Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng". Tác giả ca dao Nam bộ thường xuyên nói về chữ nghĩa cũng trên tinh thần đó. Trọng nghĩa là thái độ ứng xử của người Việt Nam nói chung chứ không riêng của người Việt Nam bộ. Có điều, đây là một nét trội trong tính cách của người dân vùng đất mới. Họ vốn là những lưu dân đi tìm sự sống trong muôn ngàn cái chết. Qua nhiều lần thoát hiểm nhờ sự liên kết, nhờ tinh thần hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, họ càng thấm thía thế nào là tình huynh đệ hào hiệp. Trọng nghĩa gắn với khinh tài. Nếu người xưa đã từng cay đắng nhận rằng "nén bạc đâm toạc tờ giấy" hoặc chua chát "có tiền mua tiên cũng được" thì tác giả ca dao Nam bộ khẳng định:

Tiền tài như phấn thổ,
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi.

Phấn thổ (bụi đất) và thiên kim (ngàn vàng) trong bài ca dao mang ý nghĩa biểu trưng. Sự đối lập của hai hình ảnh nầy chính là sự đối lập giữa cái tầm thường và cái cao quí. Nếu có cái gọi là bên trọng bên khinh thì nghĩa là bên trọng, tiền tài là bên khinh. Bài ca trên còn một dị bản như là bằng chứng về sự phổ biến của thái độ trọng nghĩa khinh tài:

Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tựa thiên kim
Đứt dây nên gỗ mới chìm
Người bất nhân bất nghĩa kiếm tìm làm chi.

Biểu trưng vàng trong bài ca trên đã từng được tác giả ca dao Nam bộ sử dụng. Nghĩa khái quát nhất, tập trung nhất của vàng là biểu trưng cho cái quý giá. Đó là cái quý giá về vật chất, quý giá về tinh thần và con người quý giá. Vàng trong lòng vàng biểu trưng cho lòng chung thủy trong tình yêu:

Bướm ong bay lượn rộn ràng,
Em nguyền giữ tấm lòng vàng với anh.

Trong ca dao Nam bộ, vàng thường xuất hiện với đá cùng với cách nói nghĩa đá vàng. Ở đây tác giả dân gian không nhầm so sánh giá trị hơn kém giữa chúng mà hướng tới đặc điểm chung của hai loại chất. Đá và vàng đều có khả năng tồn tại lâu dài, bền vững cho nên chúng biểu trưng cho nghĩa sắt son:

Ví dầu nước chảy đá mòn,
Xa nhau nghìn dặm lòng còn nhớ thương.

Người nghĩa khí một mặt sẵn sàng xả thân vì nghĩa xem tiền tài như cỏ rác, một mặt chấp nhận cảnh sống bần hàn để giữ tròn đạo nghĩa qua hình ảnh biểu trưng của hai đại đệ tử Khổng giáo, Tăng Sâm và Tử Lộ:

Anh tỉ phận anh
Thà ở lều tranh
Như thầy Tăng, thầy Lộ,
Chớ không ham mộ
Của Vương Khải, Thạch Sùng,
Đạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao.

Ca dao Bắc bộ (ca dao các vùng khác nói chung) không thiếu những bài nói về tình nghĩa, nghĩa bạn bè, nghĩa đồng bào, tình nghĩa lứa đôi... với những hình ảnh biểu trưng như bầu bí, nhiễu điều - giá gương... bằng một giọng điệu nhẹ nhàng:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(Ca dao Bắc bộ)

Ca dao Nam bộ cũng với tinh thần trọng nghĩa ấy nhưng được thể hiện bằng tình huống và thái độ mạnh mẽ với biểu trưng sống qua hình ảnh ruột thắt gan bào:

Ngó lên trời mây bay vần vũ,
Ngó xuống âm phủ đủ mặt bá quan,
Ngó lên Nam Vang thấy cây trăm thước,
Nhìn sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không?

Đạo nghĩa hay điệu nghệ là luật lệ riêng của lưu dân thời kỳ khai hoang, những người bị giai cấp cầm quyền coi là kẻ tiểu nhân dốt nát. Lưu dân thú nhận sự dốt nát của họ bằng thái độ tự tôn. Họ bất cần bọn quan lại và luật lệ của chúng, để rồi hướng tới tinh thần điệu nghệ. Điệu (đạo), là lòng từ bi bác ái, tình nghĩa giữa con người, Nghệ (nghĩa) là nghĩa khí, không lợi dụng quyền thế lấn áp kẻ yếu, không hại kẻ thất thế, ăn ở thủy chung, kết giao không tính toán thiệt hơn, dám liều thân giúp người... Quan niệm điệu nghệ tạo nên một kiểu anh hùng, một kiểu quân tử bình dân. Biểu trưng chim quyên, một biểu trưng riêng của ca dao phương Nam, là hình ảnh của kiểu quân tử bình dân đó:

Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than.

Chính quan niệm điệu nghệ đề cao con người không phải ở tiền bạc, địa vị, dòng dõi mà ở thái độ sống tích cực, sống có nghĩa khí, sống với tinh thần: "bần tiện chi giao mạc khả vong, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng". Quan niệm điệu nghệ cho người ta luôn luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người không phân biệt tốt xấu giàu nghèo trong quá khứ. Nếu biết điệu nghệ thì mọi việc có thể giải quyết trong tình anh em không cần đến pháp luật và quan lại: Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay.

Cuối cùng, người nghĩa vẫn là những con người bình dị qua hình ảnh "con chim nho nhỏ" trong ca dao Nam bộ. Công thức "con chim nho nhỏ" thường mở đầu cho lời khuyên nhủ, mong ước. Lời khuyên nhủ thường phải là lời của một ai đó cho nên hình ảnh trên biểu trưng cho con người biết trân trọng, giữ gìn đạo lý:

Con chim nho nhỏ,
Cái lông nó đỏ,
Cái mỏ nó vàng,
Nó kêu người ở trong làng,
Đừng ham lãnh lụa phụ phàng vải bô.
Biểu trưng với tính cách ngang tàng

Lối sống ngang tàng là hệ quả của tinh thần nghĩa khí hào hiệp trong con người Nam bộ. Những con người tứ chiếng từ những huyện phủ khác nhau về vùng đất mới mang trong mình nhiều chất phản kháng, ít chịu sự ràng buộc của lễ giáo, không bao giờ bị khuất phục. Họ chấp nhận mọi hiểm nguy, mọi thử thách (nắng mai - mưa chiều) thậm chí trong những hoàn cảnh nhất định, họ đã phải liều:

Ra đi là sự đánh liều,
Nắng mai không biết, mưa chiều không hay.

Cho dù phải luôn luôn đối mặt với tình huống khó khăn kiểu nắng mai - mưa chiều, người Nam bộ vẫn muốn khám phá cuộc sống bất chấp non cao sông sâu:

Lên non mới biết non cao,
Xuống sông mới biết chỗ nào cạn sâu.

Con người Nam bộ ngang tàng được thể hiện qua các biểu trưng chim, cây là con người cứng cỏi giữa cuộc đời. Chim biểu trưng cho con người sống giữa cuộc đời rộng lớn, đầy biến động. Đó là con người đi xa, người có chí khí thường là người đàn ông. Đó là chim trong các hình ảnh cánh chim hồng, chim khôn, chim kia sớt cá, chim trên rừng, chim bay về rừng, chim bay, chim trời, cánh chim...

Bể sâu con cá vẫy vùng,
Trời cao muôn trượng, cánh chim hồng cao bay.

Cây cứng lá dai là khí phách của người không biết luồn cúi, không sợ uy quyền:

Trời sinh cây cứng lá dai,
Gió lay mặc gió chiều ai không chiều.

Ngang tàng có nghĩa là dám sống, sống hết mình đúng với chính mình, dám tin vào chân lý cuộc sống, tin vào tình yêu như hình ảnh cây khô chết đứng:

Cây khô chết đứng giữa trời,
Chết thời chịu chết không quên lời anh than.

Chấp nhận tất cả rủi ro trên con đường phiêu bạt, người Nam bộ coi nhẹ tính mạng nên sống ngang tàng. Mặt khác, việc khai thác vùng đất mới đầy gian khổ hiểm nguy cũng góp phần tôi luyện tính cách trên. Nhưng cần phải thấy rằng, ngang tàng ở đây không phải là phá phách, là làm loạn. Ngang tàng là một nét nhân cách Nam bộ, đó là những con người không chấp nhận sống mà phải cầu xin, phải khuất phục trước bạo lực. Đó là những con người vươn tới những điều to tát, không quan tâm đến những cái vụn vặt. Có thể trong cuộc sống hiện đại, đây đó vẫn có những con người Nam bộ tầm thường. Điều này không có gì lạ. Nhưng trong ca dao, người Nam bộ hướng tới một cánh nhạn bay cao quí mà không thèm để ý đến chim sâu tầm thường. Và nếu chàng trai nào chỉ muốn bắt chim sâu thì sẽ bị chê cười:

Bình tích thủy đựng bông hoa lý,
Chén chung vàng đựng nhụy bông ngâu,
Trách ai làm trai hưu nhãn vô châu,
Chim oanh không bắn, bắn con chim sâu đậu nhành tùng.

Lối sống ngang tàng gắn với một thái độ dứt khoát kiểu đã tròn cho ra tròn, vuông cho ra vuông. Một số không ít ca dao Nam bộ biểu lộ thái độ quyết liệt bằng các phân biệt rạch ròi giữa đỏ và đen, giữa tốt với xấu giữa Nguyệt Nga - Vân Tiên với cha con Bùi Kiệm:

Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm tiền đồng xỉa riêng.
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.

Tóm lại, tính cách Nam bộ vẫn là tính cách Việt Nam, vẫn là những con người yêu nước có tinh thần dân tộc đã từng dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm... Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra hai nét nổi trội của tính cách người Việt Nam bộ được khắc họa trong ca dao.

Trần Văn Nam

Source Van Chuong Viet

Friday, June 9, 2017

Tiếng tơ đồng - 20 bài tổ - điệu thức oán


Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây

Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây 
Khuyết danh 

Đờn ca tài tử là hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người Nam Bộ xưa nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần con người đất phương Nam.

Theo các tài liệu khảo cứu về văn hóa Nam Bộ thì Đờn ca tài tử (ĐCTT) xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa vùng đất phương Nam. Ban đầu ĐCTT chỉ là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch của con người đi khẩn hoang. Về sau, ĐCTT được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Hai chữ "tài tử" là để chỉ người tài. ĐCTT là hoạt động văn hóa, giải trí của một nhóm người tài, có giọng ca thiên phú cùng sự đam mê luyện tập, ứng đối tốt. "Tài tử" thường đi với "giai nhân". Tài tử sánh với giai nhân là tri âm tri kỷ.

Thời sơ khai của ĐCTT (trải dài suốt triều Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XX), ĐCTT là thú chơi của tầng lớp quan lại, quý tộc. Các nhóm ĐCTT tiếng tăm như ban của ông Tư Triều và Hai Triều ở Mỹ Tho, Tiền Giang thường được giới quý tộc săn đón, mời mọc biểu diễn. Dân chúng mê ĐCTT, theo ĐCTT như một thứ bùa. Đã mê rồi, họ không dứt ra được.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ĐCTT là linh hồn của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ở Nam Bộ. Một số bản nhạc tài tử thời kỳ đó trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại, Lưu thủy trường, Xuân tình v.v...

Tài tử, giai nhân một thời vang bóng

Thành phố Cần Thơ là vùng đất nổi tiếng của phong trào ĐCTT xưa nay. (Thời xưa, vùng đất Cần Thơ có tên là Cầm Thi. Hoạt động đờn ca trên sông nước ở đây đã làm nên giai thoại Cầm Thi Giang nức tiếng một thời). Đất tài tử hàng đầu ở Cần Thơ phải kể đến huyện miệt vườn Phụng Hiệp.

Trong số các lão tài tử từng nổi tiếng thời chống Pháp còn sống đến hôm nay, cụ Lưu Văn Thuần (Ba Thuần) ở ấp Phụng Sơn A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp được coi như một "gia tài sống" về ĐCTT. Nhà cụ Thuần nằm bên bờ một dòng kênh nhỏ. Người dân ở đây gọi cụ Thuần là "cụ Ba tài tử". Cụ còn rất trẻ và khỏe so với tuổi 82 của mình. Con đường trở thành tài tử của cụ Ba quả cũng lắm công phu.

Cụ kể: "Hồi xưa tui mê đờn ca nên được ba má tui mời thầy về dạy. Thầy dạy tui là tài tử Bảy Tàu ở ấp Láng Sen, xã Phụng Hiệp. Lớp học có 6 người, học vào ban đêm, vừa học đờn, vừa học ca. Sau hai năm theo học, thầy bảo: Các con giờ đã ca hay, đờn giỏi, nhớ lấy tiếng ca, tay đờn để mua vui cho đời. Được như vậy thì tâm hồn sảng khoái, sống lâu. Những lần đi làm ăn buôn bán xa quê, tụi tui thường tụ tập đờn ca. Từ đó, tui quen với ông Trần Văn Thành, một tài tử rất nổi tiếng ở Sóc Trăng. Con gái ông Thành là Trần Thị Lan mê tiếng ca, tay đờn của tui nên đem lòng yêu thương rồi trở thành vợ tui"...

Với chất giọng trời phú, Ba Thuần trở thành một trang tài tử nổi tiếng khắp miệt vườn. Ba Thuần gia nhập đoàn văn nghệ của huyện đi biểu diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng Long Điền, Phụng Hiệp... Ông lọt vào tầm ngắm của bọn mật thám, chỉ điểm. Chúng tổ chức mật phục, truy lùng ông ráo riết với mục đích triệt hạ giọng ca tài tử. Bị giặc bắt, giam tù, tra tấn dã man, ra tù Ba Thuần tiếp tục gia nhập các nhóm đờn ca phục vụ kháng chiến. Con trai hy sinh trong kháng chiến, vợ mất, Ba Thuần sống cùng với người con gái duy nhất. Cụ Ba Thuần là thương binh hạng 4/4. Hiện nay, cụ Ba và các thành viên trong nhóm ĐCTT chỉ đi hát mua vui, không lấy tiền thù lao.

Cách Phụng Hiệp một chuyến đò ngang, mảnh đất Phong Điền cũng có một lão giai nhân vang bóng một thời về đờn ca và nay cũng đang say sưa bầu nhiệt huyết ấy, đó là cụ Phan Thị Thanh Liên (Năm Liên). Cụ Năm Liên năm nay đã 72 tuổi nhưng lời ca vẫn rất mượt, trong và sáng. Cụ Ba Thuần và cụ Năm Liên đều chung nguyện vọng, đó là được truyền nghề cho lớp con cháu. Những lão tài tử, giai nhân một thời vang bóng như cụ Ba Thuần, cụ Năm Liên hiện còn rất ít.

Đờn ca tài tử không chỉ để mua vui

Vào cái thời bùng nổ nhạc rock, nhạc rap... nhịp sống cuồn cuộn, lớp trẻ vùng sông nước miệt vườn cũng bị cuốn theo. Những năm gần đây, khi ĐCTT được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam Bộ cần phải được bảo tồn, phát triển, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thường xuyên tổ chức các đợt liên hoan ĐCTT, liên hoan ca cổ. Trung bình mỗi xã có từ 1-3 câu lạc bộ ĐCTT. Ngoài ra, ĐCTT còn phát triển trong các quán nhậu. Tại các đô thị, hầu như ở khu phố nào cũng có quán nhậu ca cổ, ĐCTT.

Nếu nhìn vào những biểu hiện ấy, có thể thấy ĐCTT đang dần trở lại thời vàng son. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy. Tại các cuộc liên hoan ca cổ và liên hoan ĐCTT gần đây, số lượng các diễn viên trẻ tham gia rất ít. Nghệ sỹ ưu tú Trúc Linh, một trong những cây đại thụ của làng ca cổ hiện nay, đã phát biểu rất tâm huyết rằng: Lớp trẻ nhiều cháu có chất giọng rất tốt nhưng ca hời hợt quá. Ca cổ, ĐCTT mà phong cách cứ như hát nhạc trẻ. Thế này thì khó mà "lớn" được.

Nói về hướng đi cho ĐCTT, Giáo sư, nhạc sỹ Trần Văn Khê cho rằng: ĐCTT là hồn cốt của văn hóa Nam Bộ. Nó không bao giờ mất đi. Điều quan trọng là trong quá trình duy trì, phát triển, không được để nó biến tấu theo những khuynh hướng xô bồ, tùy tiện. Để làm được điều đó phải tạo cho ĐCTT có những "sân chơi" phù hợp. Chỉ dừng lại ở mấy cuộc liên hoan, thi thố thì chưa đủ.

Ngày xuân tiết trời se se, lênh đênh qua những tuyến kênh rạch dưới không gian xanh ngút mắt, thưởng thức hương vị trái cây mát lịm, ngồi trên nhà hàng nổi thả hồn du dương theo âm thanh ĐCTT... là thú vui của du khách muôn phương khi đến vùng đất sông nước miệt vườn. Hy vọng ngày càng có nhiều "sân chơi" như thế để ĐCTT lại tiếp tục được mê đắm, được mời mọc.

Phan Tùng Sơn

Source Van Chuong Viet