Tuesday, December 27, 2016

Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng Ca dao

Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao 

Khuyết danh

Biểu trưng nói một cách đơn giản là dùng cái A để nói cái B. Chẳng hạn, cặp biểu trưng "cá chậu - chim lồng" biểu trưng cho cảnh tù túng của một ai đó, trong ca dao thường có biểu trưng cho người con gái có chồng (mà không hạnh phúc).


Biểu trưng bao giờ cũng gắn với văn hóa tộc người và vùng đất bởi quá trình biểu trưng hóa (quá trình liên tưởng so sánh giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt) bị sự chi phối của môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Xuất phát từ luận điểm này, chúng tôi tìm hiểu tính cách người Việt Nam bộ qua các biểu trưng ca dao.

Biểu trưng với tinh thần trọng nghĩa khinh tài

Trọng nghĩa là tinh thần của những con người nghĩa khí, những con người sẵn sàng xả thân mình để cứu người, để làm những việc mà họ cho là hợp với đạo lý và lòng trung thành. Lục Vân Tiên, Hớn Minh của Nguyễn Đình Chiểu cũng là những nhân vật được xây dựng trên tinh thần "Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng". Tác giả ca dao Nam bộ thường xuyên nói về chữ nghĩa cũng trên tinh thần đó. Trọng nghĩa là thái độ ứng xử của người Việt Nam nói chung chứ không riêng của người Việt Nam bộ. Có điều, đây là một nét trội trong tính cách của người dân vùng đất mới. Họ vốn là những lưu dân đi tìm sự sống trong muôn ngàn cái chết. Qua nhiều lần thoát hiểm nhờ sự liên kết, nhờ tinh thần hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, họ càng thấm thía thế nào là tình huynh đệ hào hiệp. Trọng nghĩa gắn với khinh tài. Nếu người xưa đã từng cay đắng nhận rằng "nén bạc đâm toạc tờ giấy" hoặc chua chát "có tiền mua tiên cũng được" thì tác giả ca dao Nam bộ khẳng định:

Tiền tài như phấn thổ,
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi.


Phấn thổ (bụi đất) và thiên kim (ngàn vàng) trong bài ca dao mang ý nghĩa biểu trưng. Sự đối lập của hai hình ảnh nầy chính là sự đối lập giữa cái tầm thường và cái cao quí. Nếu có cái gọi là bên trọng bên khinh thì nghĩa là bên trọng, tiền tài là bên khinh. Bài ca trên còn một dị bản như là bằng chứng về sự phổ biến của thái độ trọng nghĩa khinh tài:

Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tựa thiên kim
Đứt dây nên gỗ mới chìm
Người bất nhân bất nghĩa kiếm tìm làm chi.


Biểu trưng vàng trong bài ca trên đã từng được tác giả ca dao Nam bộ sử dụng. Nghĩa khái quát nhất, tập trung nhất của vàng là biểu trưng cho cái quý giá. Đó là cái quý giá về vật chất, quý giá về tinh thần và con người quý giá. Vàng trong lòng vàng biểu trưng cho lòng chung thủy trong tình yêu:

Bướm ong bay lượn rộn ràng,
Em nguyền giữ tấm lòng vàng với anh.


Trong ca dao Nam bộ, vàng thường xuất hiện với đá cùng với cách nói nghĩa đá vàng. Ở đây tác giả dân gian không nhầm so sánh giá trị hơn kém giữa chúng mà hướng tới đặc điểm chung của hai loại chất. Đá và vàng đều có khả năng tồn tại lâu dài, bền vững cho nên chúng biểu trưng cho nghĩa sắt son:

Ví dầu nước chảy đá mòn,
Xa nhau nghìn dặm lòng còn nhớ thương.


Người nghĩa khí một mặt sẵn sàng xả thân vì nghĩa xem tiền tài như cỏ rác, một mặt chấp nhận cảnh sống bần hàn để giữ tròn đạo nghĩa qua hình ảnh biểu trưng của hai đại đệ tử Khổng giáo, Tăng Sâm và Tử Lộ:

Anh tỉ phận anh
Thà ở lều tranh
Như thầy Tăng, thầy Lộ,
Chớ không ham mộ
Của Vương Khải, Thạch Sùng,
Đạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao.


Ca dao Bắc bộ (ca dao các vùng khác nói chung) không thiếu những bài nói về tình nghĩa, nghĩa bạn bè, nghĩa đồng bào, tình nghĩa lứa đôi... với những hình ảnh biểu trưng như bầu bí, nhiễu điều - giá gương... bằng một giọng điệu nhẹ nhàng:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(Ca dao Bắc bộ)


Ca dao Nam bộ cũng với tinh thần trọng nghĩa ấy nhưng được thể hiện bằng tình huống và thái độ mạnh mẽ với biểu trưng sống qua hình ảnh ruột thắt gan bào:

Ngó lên trời mây bay vần vũ,
Ngó xuống âm phủ đủ mặt bá quan,
Ngó lên Nam Vang thấy cây trăm thước,
Nhìn sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không?


Đạo nghĩa hay điệu nghệ là luật lệ riêng của lưu dân thời kỳ khai hoang, những người bị giai cấp cầm quyền coi là kẻ tiểu nhân dốt nát. Lưu dân thú nhận sự dốt nát của họ bằng thái độ tự tôn. Họ bất cần bọn quan lại và luật lệ của chúng, để rồi hướng tới tinh thần điệu nghệ. Điệu (đạo), là lòng từ bi bác ái, tình nghĩa giữa con người, Nghệ (nghĩa) là nghĩa khí, không lợi dụng quyền thế lấn áp kẻ yếu, không hại kẻ thất thế, ăn ở thủy chung, kết giao không tính toán thiệt hơn, dám liều thân giúp người... Quan niệm điệu nghệ tạo nên một kiểu anh hùng, một kiểu quân tử bình dân. Biểu trưng chim quyên, một biểu trưng riêng của ca dao phương Nam, là hình ảnh của kiểu quân tử bình dân đó:

Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than.

Chính quan niệm điệu nghệ đề cao con người không phải ở tiền bạc, địa vị, dòng dõi mà ở thái độ sống tích cực, sống có nghĩa khí, sống với tinh thần: "bần tiện chi giao mạc khả vong, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng". Quan niệm điệu nghệ cho người ta luôn luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người không phân biệt tốt xấu giàu nghèo trong quá khứ. Nếu biết điệu nghệ thì mọi việc có thể giải quyết trong tình anh em không cần đến pháp luật và quan lại: Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay.


Cuối cùng, người nghĩa vẫn là những con người bình dị qua hình ảnh "con chim nho nhỏ" trong ca dao Nam bộ. Công thức "con chim nho nhỏ" thường mở đầu cho lời khuyên nhủ, mong ước. Lời khuyên nhủ thường phải là lời của một ai đó cho nên hình ảnh trên biểu trưng cho con người biết trân trọng, giữ gìn đạo lý:

Con chim nho nhỏ,
Cái lông nó đỏ,
Cái mỏ nó vàng,
Nó kêu người ở trong làng,
Đừng ham lãnh lụa phụ phàng vải bô.

Biểu trưng với tính cách ngang tàng

Lối sống ngang tàng là hệ quả của tinh thần nghĩa khí hào hiệp trong con người Nam bộ. Những con người tứ chiếng từ những huyện phủ khác nhau về vùng đất mới mang trong mình nhiều chất phản kháng, ít chịu sự ràng buộc của lễ giáo, không bao giờ bị khuất phục. Họ chấp nhận mọi hiểm nguy, mọi thử thách (nắng mai - mưa chiều) thậm chí trong những hoàn cảnh nhất định, họ đã phải liều:

Ra đi là sự đánh liều,
Nắng mai không biết, mưa chiều không hay.


Cho dù phải luôn luôn đối mặt với tình huống khó khăn kiểu nắng mai - mưa chiều, người Nam bộ vẫn muốn khám phá cuộc sống bất chấp non cao sông sâu:

Lên non mới biết non cao,
Xuống sông mới biết chỗ nào cạn sâu.


Con người Nam bộ ngang tàng được thể hiện qua các biểu trưng chim, cây là con người cứng cỏi giữa cuộc đời. Chim biểu trưng cho con người sống giữa cuộc đời rộng lớn, đầy biến động. Đó là con người đi xa, người có chí khí thường là người đàn ông. Đó là chim trong các hình ảnh cánh chim hồng, chim khôn, chim kia sớt cá, chim trên rừng, chim bay về rừng, chim bay, chim trời, cánh chim...

Bể sâu con cá vẫy vùng,
Trời cao muôn trượng, cánh chim hồng cao bay.


Cây cứng lá dai là khí phách của người không biết luồn cúi, không sợ uy quyền:

Trời sinh cây cứng lá dai,
Gió lay mặc gió chiều ai không chiều.


Ngang tàng có nghĩa là dám sống, sống hết mình đúng với chính mình, dám tin vào chân lý cuộc sống, tin vào tình yêu như hình ảnh cây khô chết đứng:

Cây khô chết đứng giữa trời,
Chết thời chịu chết không quên lời anh than.


Chấp nhận tất cả rủi ro trên con đường phiêu bạt, người Nam bộ coi nhẹ tính mạng nên sống ngang tàng. Mặt khác, việc khai thác vùng đất mới đầy gian khổ hiểm nguy cũng góp phần tôi luyện tính cách trên. Nhưng cần phải thấy rằng, ngang tàng ở đây không phải là phá phách, là làm loạn. Ngang tàng là một nét nhân cách Nam bộ, đó là những con người không chấp nhận sống mà phải cầu xin, phải khuất phục trước bạo lực. Đó là những con người vươn tới những điều to tát, không quan tâm đến những cái vụn vặt. Có thể trong cuộc sống hiện đại, đây đó vẫn có những con người Nam bộ tầm thường. Điều này không có gì lạ. Nhưng trong ca dao, người Nam bộ hướng tới một cánh nhạn bay cao quí mà không thèm để ý đến chim sâu tầm thường. Và nếu chàng trai nào chỉ muốn bắt chim sâu thì sẽ bị chê cười:

Bình tích thủy đựng bông hoa lý,
Chén chung vàng đựng nhụy bông ngâu,
Trách ai làm trai hưu nhãn vô châu,
Chim oanh không bắn, bắn con chim sâu đậu nhành tùng.


Lối sống ngang tàng gắn với một thái độ dứt khoát kiểu đã tròn cho ra tròn, vuông cho ra vuông. Một số không ít ca dao Nam bộ biểu lộ thái độ quyết liệt bằng các phân biệt rạch ròi giữa đỏ và đen, giữa tốt với xấu giữa Nguyệt Nga - Vân Tiên với cha con Bùi Kiệm:

Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm tiền đồng xỉa riêng.
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.


Tóm lại, tính cách Nam bộ vẫn là tính cách Việt Nam, vẫn là những con người yêu nước có tinh thần dân tộc đã từng dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm... Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra hai nét nổi trội của tính cách người Việt Nam bộ được khắc họa trong ca dao.
 
Trần Văn Nam
Source Van Chuong Viet

Tuesday, December 6, 2016

Quê hương qua Ca Dao: Bánh Bèo - Đinh Thức

Bánh Bèo

Anh đi ghe rổi chín chèo
Bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo
Nợ treo thì mặc nợ treo
Em bán bánh bèo trả nợ nuôi anh

(Ca dao Tục ngữ)


Sunday, November 6, 2016

Quê hương qua Ca Dao: Bán Rượu - Đinh Thức

Em là con gái Kẻ Mơ.
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh.
Rượu ngon chẳng quản be sành.
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Rượu lạt uống lắm cũng say.
Người khôn nói lắm hết hay hóa nhàm.
 
Ca dao Tục ngữ
 


Sunday, October 30, 2016

Lý Mỹ Hưng - Bạch Long, Thùy Dương và Điền Thanh


Dân Ca

Khuyết danh

Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã nhất trí đánh giá Bến Tre là một trong những cái nôi dân ca Nam Bộ mang đậm dấu ấn vùng sông nước và đồng bằng sông Cửu Long. Ở Bến Tre có nhiều làn điệu dân ca như: hát ru, hò, lý, nói thơ, nói vè, đồng dao, hát huê tình, hát đối đáp, hát sắc bùa... Căn cứ vào nội dung và giá trị nghệ thuật, ở đây chỉ giới thiệu 4 thể loại dân ca tiêu biểu của tỉnh

- Hò
- Lý
- Nói thơ Vân Tiên
- Hát sắc bùa..



Phát triển trên vùng đất 3 cù lao nằm giữa các nhành sông Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, hò Bến Tre hình thành theo hai hệ thống: hò trên sông nước và hò trên cạn. Cũnh như vôn văn nghệ dân gian nói chung, hò Bến Tre có cội nguồn từ miền đất cũ do những thế hệ lưu dân người Việt mang theo cùng với hành trang khác của mình trên đường di chuyển để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn về phương Nam.

Hò trên sống nước gồm có:

- Hò chèo thuyền (chèo ghe)
- Hò mái đoản (mái cụt)
- Hò mái trường (mái dài)

Hò trên cạn gồm có:

- Hò cúng chùa
- Hò bản đờn
- Hò lờ
- Hò cấy lúa
- Hò đối đáp.

Dù hò trên sông hay hò trên cạn, tiếng hò Bến Tre, do những điều kiện làm ăn sinh sống và do khung cảnh thiên nhiên qui định, nên có phần thanh nhàn và ung dung hơn so với hò miền Trung hay miền Bắc với tiết tấu khỏe, gấp rút, vội vàng. Là một loại hình nghệ thuật dân gian, hò Bến Tre cũng có lề lối diễn xướng riêng. Hò trong lao động, hò giải trí trong lúc nghỉ ngơi, hò trong lễ hội, hò để đua tài cao thấp, hò trong môi trường vui chơi mỗi độ xuân về.

Hò cấy thường diễn ra ngay trên đồng ruộng, có thể kéo dài từ sáng cho đến chiều tối. Các nhóm hò, có kẻ xướng người xô, vừa lao động, vừa trổ tài đối đáp. Xưa kia, mỗi vạn cấy thường tập trung từ 20 đến 30 người, đứng đầu là một anh "trùm vạn" - người làm trung gian giữa chủ ruộng và thợ cấy. Những thợ cấy hò giỏi, hò hay thường được mọi người trọng vọng, công xá bao giờ cũng được nhận phần cao hơn so với các người khác trong vạn.

Hò cấy được phân bố hầu như khắp địa bàn trong tỉnh, nhưng phổ biến nhất là ở miệt ruộng của huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày, Bình Đại.

Ở Thạnh Phú cũng thịnh hành hò chèo thuyền, Bình Đại có hò lờ, hò cúng chùa, hò bản đờn. Dọc theo sông Hàm Luông, ven vàm Tân Hương lại rất phổ biến hò mái đoản, hò mái trường, hò chèo ghe (chèo thuyền).

Trong dân gian, thuật ngữ hò rơi dùng để chỉ trường hợp hò lẻ một mình, chẳng có ai bắt, ai luận, ai gài, ai gỡ, dù có một hoặc nhiều người hò cũng vậy. Trong khi đó, hò kết lại có người bỏ, người bắt, người luận, người gài, người bẻ, tức là có đối có đáp.

Hò mép (hoặc hò bắt quàng) là loại hò ngẫu hứng, đòi hỏi nghệ nhân phải có trình độ nhạy cảm và có năng lực đối đáp ngay lúc biểu diễn trước cảnh và tình xung quanh.

Hò văn, hò thơ, hò truyện đòi hỏi người hò phải am hiểu chữ nghĩa, sử dụng thành thạo các thành ngữ, tục ngữ, nhất là những thành ngữ Hán Việt, phải thuộc nhiều thơ Nôm, thơ lục bát, nhất là các truyện thơ (Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, Phạm Công – Cúc Hoa), biết nhiều điển tích trong các truyện Tàu như Tam quốc, Tây du, Đông Chu liệt quốc, Thủy hử.

Hò quốc sự ra đời muộn màng hơn so với các loại hò trên, cùng lúc với các phong trào đấu tranh chống xâm lược, giải phóng đất nước.

Hò đối đáp vốn là một loại hình dân ca phổ biến khắp ba miền đất nước, có lề lối sinh hoạt nghệ thuật giống nhau, đồng thời ở mỗi vùng lại có những tục lệ riêng. Hò đối đáp Bến Tre trải qua 3 giai đoạn diễn xướng. Mở đầu là hò rao, hò mời, hò hỏi thăm. Lời hò ở giai đoạn này chủ yếu là để tìm hiểu đối phương, cho nên thường khiêm nhường, từ tốn, lịch sự. Giai đoạn hai - phần chính của cuộc hò – là lúc thi tài cao thấp, phân định thắng bại, cho nên sôi nổi, căng thẳng, hồi hộp, gay cấn, nhưng cũng là giai đoạn lý thú và hào hứng nhất. Giai đoạn thứ ba mang tính chất kết thúc với những lời hò giã từ, tiễn đưa, hò hẹn, tạm biệt, có khi là sự luyến tiếc, vương vấn, buồn thương, cảm phục...



Ở Bến Tre, qua kết quả sưu tầm được, có hơn 70 điệu lý khác nhau. Trong “vườn lý” ngát hương của xứ dừa, chúng ta đã từng nghe các điệu lý chim chuyền, lý đươn, (đan) đệm, lý lu là, lý con cua, lý con cúm núm, lý con sáo, lý con quạ, lý ngựa ô, lý cảnh chùa... Lý có nhiều khả năng diễn đạt, đề cập, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thiên nhiên và xã hội, sự vật, sự việc chung quanh, vì vậy đề tài của lý vô cùng phong phú. Lý là tiếng nói của tình yêu lứa đôi hồn nhiên và mộc mạc, lý là ước mơ trong sáng, lạc quan, lý là khúc hát ngọt ngào của người bình dân ngợi ca cuộc sống, lý biểu lộ sự bất bình, sự phản đối trước những hiện thực bất công, chướng tai gai mắt, lý cũng là tiếng nói đồng tình, đồng chí dạt dào tin yêu... Người Bến Tre cũng đã chọn nhiều kiểu, nhiều cách để đặt tên cho các điệu lý như:

- Lấy nội dung của lời hát (ca dao) để đặt tên cho điệu lý: lý cái phảng, lý cảnh chùa, lý trái bắp, lý con cún, lý đươn đệm...
- Lấy ngay mấy chữ đầu câu hát (ca dao) mà đặt tên cho lý: lý dừa tơ, lý con cua, lý ông hương, lý ba xa kéo chỉ, lý nàng dâu, lý chim chuyền, lý con ác.
- Lấy tiếng đệm lót, tiếng láy đưa hơi mà đặt tên cho lý: lý lu là, lý hố mơi, lỳ kỳ hợi, lý bằng lưu thủy, lý bằng răng, lý giọng ứ, lý hố khoan...

Lời của lý là những câu ca dao ở thể lục bát. Âm bậc trầm bổng của lời ca tạo ra cốt cách của âm nhạc, và ngược lại do yêu cầu của thẩm mỹ, âm nhạc lại tác động tới lời ca. Đó là mối quan hệ qua lại rất đặc biệt, sinh động của lý.

Trong thể loại lý Bến Tre có hệ thống tiếng đệm lót, tiếng đưa hơi, tiếng láy, hệ thống này đóng vai trò như "gia vị" cho món ăn giai điệu, những tiếng đệm lót, tiếng đưa hơi này đều không có nghĩa cụ thể, nó có tác dụng làm cho giọng hát lên bổng xuống trầm một cách thoải mái, do đó mà cơ cấu giai điệu được tự nhiên, lời ca được tô điểm đậm đà và bay bướm hơn.

Người ta phân biệt được các điệu lý ngoài cấu trúc, đường nét giai điệu và lời ca, như ở tiếng đệm lót đặc thù của nó.

Với tính năng động của nội dung với sự phong phú của đề tài, với hình thức nghệ thuật nhiều màu vẻ, tiết tấu sinh động, dồi dào về điệu thức... thể loại lý đạt trình độ cao về thẩm mỹ, nên đã có mặt ngay từ buổi đầu trong phong trào ca nhạc tài tử và là nguồn bổ sung vô tận cho âm nhạc sân khấu cải lương Nam Bộ.

Nói thơ Vân Tiên

Nói thơ Vân Tiên là một loại hát kể mang tính chất ngâm ngợi, phù hợp với giọng thổ của nam giới. Nội dung là truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu – tác phẩm Lục Vân Tiên - được diễn đạt theo nhịp điệu không buông rơi đều đặn như hát bài chòi, hoặc hát sắc bùa, mà luôn luôn thay đổi từ khoan thai đến dồn dập. Giai điệu thường bắt đầu ở âm khu cao của đầu điệp khúc rồi lên xuống giữa âm khu trung và âm khu trầm và chậm dần để kết thúc mỗi điệp khúc. Khác với hiện tượng “cưỡng âm” ở lý, sáu thanh điệu của ngôn ngữ lời thơ trong nói thơ Vân Tiên bao giờ cũng được tôn trọng. Các dấu giọng (hỏi, ngã, nặng) đều được luyến láy rõ lời. Nói thơ Vân Tiên không sử dụng tiếng đệm lót, hãn hữu mới thấy tiếng "mà" giặm vào, hoặc tiếng đưa hơi "ơ ớ" tùy theo lối ngâm của từng người.

Theo nhạc sĩ Lê Nhất Vũ, căn cứ vào thang âm và điệu thức nói thơ Vân Tiên ở Bến Tre sử dụng điệu thức nam (hơi ai), trong khi đó nói thơ Sáu Trọng, nói thơ Hia Miêng, nói thơ Bạc Liêu thường diễn xướng trên điệu khúc oán.

Khi phong trào ca nhạc tài tử ra đời, tiếp theo là ca nhạc sân khấu cải lương thịnh hành và trở thành thời thượng, thì nói thơ Vân Tiên cũng bị phai nhạt dần. Vả chăng nhịp điệu nói thơ chỉ phù hợp với đời sống xã hội nông nghiệp cổ, không còn thích ứng với tâm lý con người trong thời đại công nghiệp, thời đại của ”mốt”, của tốc độ. Về phương diện thẩm mỹ, công chúng ngày nay, nhất là thế hệ trẻ, không chấp nhận sự lặp đi lặp lại những hình tượng nghệ thuật cũ kỹ, dù cho nó đã từng một thời làm say mê lòng người. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Bến Tre, trong các làng quê vẫn còn những cụ già nằm lắc lư theo nhịp võng, vừa vuốt râu ngâm ngợi say mê điệu nói thơ Vân Tiên trong buổi trưa hè, hay giữa buổi chiều êm ả, tĩnh mịch: "dữ răn việc trước, lành dè thân sau...".

Hát sắc bùa

Hát sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha trộn với ma thuật Đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Đôi khi hát sắc bùa Phú Lễ cũng được tổ chức vào dịp cúng đình hàng năm ở ngay tại đình làng.

Tục hát sắc bùa có địa chỉ hẳn hoi là xã Phú Lễ, nhưng kết quả điều tra thực tế cho thấy địa bàn hoạt động của nó rộng lớn, gồm các xã lân cận như các xã Phú Ngãi, Phước Tuy, An Đức, An Bình Đông, Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm).

Tục hát sắc bùa chúc Tết là một tục lệ có từ lâu đời, phổ biến ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam: Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình trị Thiên và một số tỉnh miền Nam Trung Bộ từ Phú Yên trở ra. Như vậy hát sắc bùa không phải là nơi sản sinh ra tục hát sắc bùa. Trong khi đi tìm nguồn gốc của nó, một số nhà nghiên cứu, sau khi so sánh những yếu tố tương đồng giữa hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa của một số địa phương (kể cả tục hát xéc bùa của người Mường) đồng thời có liên hệ đối chiếu với hàng loạt gia phả của một số gia đình, dòng họ ở đây, đã đi đến bước đầu kết luận rằng hát sắc bùa Phú Lễ có rất nhiều yếu tố đồng nhất với hát sắc bùa Nam Trung Bộ về các phương diện: mục đích cuộc hát, biên chế nhạc cụ, hệ thống tiết mục, làn điệu, bố cục, hình thức văn học, đặc điểm âm nhạc...

Đội hát sắc bùa thường được tổ chức từ 4 đến 6 có khi lên đến 8 người, có một ông bầu điều khiển. Đội hát được coi là đầy đủ phải có 6 nghệ nhân biết chơi 6 nhạc cụ. Một cuộc hát thường có 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ - phong tục, tiếp đến là phần diễn xướng giúp vui có tính chất thiên về sinh họat văn nghệ. Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tập thể, có xướng có xô, có nhạc cụ phụ họa và nhịp phách rõ ràng. Lời hát là những câu thơ dân gian thuộc thể sáu tám hoặc thơ 4 chữ.

Về nội dung, gạt ra một bên những câu hát nặng tính chất xưng tụng, nghi lễ xen lẫn với những phù chú "tống quĩ trừ ma" (chủ yếu ở phần đầu), lời hát sắc bùa phản ánh những ước mơ của người lao động trong dịp đầu năm mới: người làm ruộng mong "mùa màng bội thu", "cây trái tốt tươi", người dệt vải "làm không kịp bán", thợ nề, thợ mộc được “người ta năng rước”, xã hội “trăm nghệ tân phát”, “người yên, vật thịnh"...

Theo xu hướng và nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của xã hội, nội dung của hát sắc bùa Phú Lễ đã có nhiều thay đổi, ngày càng gắn với hiện thực của đời sống hơn, trong khi phần tập tục, nghi lễ mang tính chất ma thuật phai nhạt dần.

----------------------

Chú thích

(1) Những tài liệu trong phần Dân ca này chủ yếu dựa vào công trình nghiên cứu Dân ca Bến Tre của Lư Nhất Vũ và Lư Giang, Ty Văn Hoá - Thông tin Bến Tre, 1981 và một số bản tham luận khoa học đã được đăng trên báo chí của tỉnh.

Source vanchuongviet

Tuesday, October 18, 2016

Làng nghề Đào Xá: Cung đàn xưa và nỗi nhớ | VTC


Hát lý và những điệu lý dễ thương của Nam bộ

Hát lý và những điệu lý dễ thương của Nam bộ
Nguyễn Hữu Hiệp
Trên hầu khắc đất nước ta, nơi nào cũng có xuất hiện, định hình những làn điệu dân ca trữ tình rất ngọt ngào, đáng yêu. Có không ít làn điệu đã trở thành đặc sản của địa phương, khu vực, như hát ả đào, hát nói, hát đám, hát quan họ, hát huê tình, nói thơ, hò lờ… Nhưng chung nhất và phổ cập nhất của thời trước là “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”.
 
Giúp ta hiểu rõ thêm câu tục ngữ này, ông Trương Vĩnh Ký giải thích trong “Giáo trình Hát, lý, hò An Nam” (in thạch bản, 1886): “Người trong Nam (từ Đồng Nai ra tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả;  còn ca, phú, thơ, vịnh thì người miền Bắc; còn về việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”. Lẽ dĩ nhiên từ “hát” nói ở đây không mang hình thức diễn xướng như hát bội, hát cải lương… nó đích thực là một thể loại dân ca đặc hữu của những người thôn dân chân chất. Hát lý không chỉ đã đi vào sinh hoạt đời sống nhân dân ta từ hàng nghìn năm trước mà di sản văn hóa phi vật thể này còn biểu thị tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt của dân tộc. Chính vì thế nên khi xua quân xâm lược nước ta, vua Minh (Thành Tổ) ban chỉ dụ: “Một binh lính vào nước Nam… hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết…” (đạo dụ ngày 21/8/1406). Rồi không đầy 9 tháng sau, ngày 16/5/1407 Minh Thành Tổ lại ban thêm một đạo chỉ dụ nữa, nội dung nhắc lại tinh thần chỉ dụ trước, đồng thời quở trách các tướng sĩ, khi bắt gặp “những thứ ấy” thì phải ra lệnh đốt ngay chứ không được xem rồi mới đốt, tức phải y lịnh thi hành cho nhanh, cho triệt để! Song như chúng ta đều đã biết, chẳng những họ đã không làm được điều đó mà còn bị nghĩa quân của Lê Lợi quét sạch ra khỏi cõi bờ! Nước nhà độc lập, tự chủ. Thế là giọng lý lại được tôn vinh, cất cao lên khắp các thôn làng! Nhân dân hát lý ở bất cứ nơi đâu, bất cứ vào dịp nào: một mình lúc đang làm đồng, chèo ghe, nghỉ lưng trên cánh võng; hoặc cùng bạn bè trong những cuộc hội hè, tết nhứt, giỗ quải…, có kẻ xướng người xô càng thêm hứng khởi. Ở miền Nam xưa được các nghệ sĩ xếp đứng đầu trong các điệu hát: “Nhứt lý, nhị ngâm, tam Nam, tức oán…”.
 
Ta biết, lý là quê mùa, là điệu hát mà ca từ chính là những câu phong dao, ca dao được đệm lót thêm một số nhóm từ, cụm từ, tuy là “hư từ”, sáo rỗng và vô nghĩa nhưng lại rất cần để nhằm ngâm nga, đẩy đưa, hỗ trợ làn hơi, đồng thời nghệ nhân cũng hát xen những tiếng láy, điệp ngữ – chính là điệp khúc… làm cho tiết điệu thêm mượt mà, khúc chiết, khi thì tình tứ thiết tha, khi thì buồn thảm nảo nùng, khi thì nhẹ nhàng phấn khởi… Chính nhờ đề tài và nội dung phản ánh mọi hiện tượng xảy ra trong sinh hoạt đời thường của ca dao, nói được những góc cạnh tình cảm trong cuộc sống, và cũng nhờ ca từ giản dị tươi vui, dí dỏm nên lý dễ đi vào lòng người, rất được người bình dân ưa chuộng.
 
Về lý, ông Huỳnh Tịnh Của có giải thích và phân biệt rõ trong Đại Nam quốc âm tự vị (Imp, Rey Curiol & Cie Saigon, 1895):
 
Hát lý: Hát bắt nhịp, giọng cao giọng thấp, lặp đi lặp lại.
Lý hát: Và kể và hát có mau có chậm (hiểu là vừa kể vừa hát… và “hát theo điệu ca ngâm”).
Mà ca ngâm thì “muôn màu muôn vẻ”, thành ra hát lý phong phú đến mức có đến hàng trăm điệu (gần như mỗi bài là một điệu). Hiện người ta đã sưu tầm được ngót 160 bài! Con số này sẽ không dừng lại nếu các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian có điều kiện thực hiện thêm những chuyến điền dã tâm huyết.
 
Trong khẩu ngữ thông thường, dân gian ít phân biệt ca lý và hát lý, vì vậy ở khía cạnh này ta có thể hiểu ca hát là một. Về điệu lý, theo Lư Nhất Vũ – Lê Giang tác giả Tìm hiểu dân ca Nam Bộ thì, cũng như ở Bình Trị Thiên và Nam Trung Bộ, ông bà ta ở Nam Bộ có mấy cách đặt tên cho nhiều điệu lý, đại thể:
 
a) Lấy nội dung lời hát (ca dao) mà đặt: lý con cúm núm, lý con sam, lý con sáo, lý ngựa ô, lý cây bần, lý cây gòn, lý trái bắp, lý trái mướp, lý dầu dừa, lý mù u, lý bình vôi, lý cái phảng, lý chúc rượu, lý qua cầu, lý cấy, lý đương đệm, lý cảnh chùa, lý vọng phu v.v.
 
b) Lấy mấy chữ đầu câu hát mà đặt: lý con cua, lý con chuột, lý con mèo, lý chim chi, lý chim sắc, lý chim chuyền, lý cây xanh, lý cây bông, lý cây ớt, lý mạ non, lý dừa tơ, lý trồng hường, lý chẻ tre, lý chiếu bông, lý chiều chiều, lý bánh canh, lý dĩa bánh bò, lý ông hương, lý nàng dâu, lý ba xa kéo chỉ, lý xăm xăm, lý liễn vũ v.v.
 
c) Lấy tiếng đệm lót hoặc tiếng láy đưa hơi mà đặt: lý í a, lý băng rù, lý bằng lưu thủy, lý bằng rằng, lý cống xê xang, lý giọng ứ, lý hố khoan, lý hố mơi, lý kỳ hợi, lý lu là, lý tú lý tiên, lý rị đa (hoặc lý đu đê), lý rường ơ, lý tang tình, lý ợ, lý yến ảnh v.v.
 
Ngoài ra người ta còn dựa vào xuất xứ của loại hình ca bóng rỗi mà đặt tên các điệu lý giọng bông; dựa vào đặc tính của nhóm tiếng đệm mô phỏng các bậc âm của “chữ đờn” dân tộc; hoặc tiếng tụng niệm kinh kệ mà đặt tên như: lý bản đờn, lý cống chùa v.v.
 
Cũng có trường hợp lấy địa danh để đặt cho: lý Ba Tri, lý Cái Mơn… Điều này ít thấy phổ biến trong dân gian. Tất nhiên vẫn có trường hợp cùng một làn điệu nhưng mang tên lý khác nhau, và ngược lại. Việc phân loại chỉ mang tính tương đối bởi “định danh” như vậy không thể tránh được tình trạng nhập nhằng – nhập nhằng cả về việc “định lượng” nữa.
 
Theo chiều dài lịch sử và tiến trình mở nước, ca dao dân ca lan toả khắp nơi, tuỳ theo hình thái địa lý, hoàn cảnh xã hội, và nhất là do cách phát âm từng nơi mà dân ca nói chung, điệu lý nói riêng có sắc thái mang dấu ấn của vùng miền, chung nhất là dân ca ba miền. Rồi do giao lưu, tiếp xúc mà âm điệu, thanh điệu và cả những tiếng đưa hơi cũng được biến hóa, co giản, làm cho làn điệu thêm phong phú, đồng thời cũng làm bật lên nét đặc thù ngôn ngữ âm nhạc. Thí dụ như điệu lý con sáo, chỉ với câu ca dao Ai đem con sáo sang sông, Cho nên con sáo sổ lồng bay xa, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, sơ bộ đã ghi nhận có tới 30 bài, trong đó có 4 bài lý con sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo, 3 bài lý con sáo Bắc trong hát quan họ Hà Bắc và hát trống quân, 1 bài lý con sáo Thanh Hóa, 4 bài lý con sáo Huế, Nam Bình Trị Thiên, 2 bài lý con sáo Quảng vùng Nam Trung Bộ, và hơn 10 bài lý con sáo Nam Bộ. Tác giả cuốn sách chuyên khảo về dân ca Nam Bộ đã dẫn có nhận xét: Trong lịch sử âm nhạc chắc chưa có hiện tượng nào cùng một đề tài xuất xứ, từ hai câu ca dao mà có tới hàng chục làn điệu với sắc thái khác nhau và muôn màu muôn vẻ!
 
Vì sao lý “con sáo sang sông – con sáo sổ lồng – con sáo bay xa” được các nghệ nhân dân gian ưa chuộng đến vậy?
 
Lý, ngoài sức cuốn hút nhất định của âm điệu, nội dung của câu ca dao này đã phản ánh trung tâm tư, ước vọng của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân: truyền thống đấu tranh bất khuất, không chấp nhận làm nô lệ, luôn tìm mọi cách để “sổ lồng”, “sang sông”, “bay xa” tìm đến chân trời hạnh phúc. Và, thật kỳ diệu, dân tộc Việt Nam đã làm được điều đó!
 
Với hàng chục điệu lý như vừa nói, tưởng đã quá đủ để minh chứng tình cảm, cá tính người Nam Bộ – cũng là biểu tượng của sự hiên ngang, phóng khoáng của nhân dân. Nhưng nếu có chút tinh tế, ta sẽ thấy ở vùng miền nào cũng bật lên rất rõ nét sự tôn vinh điệu lý! Nếu lý ngựa ô đã có cuộc hành trình khắp nước thì lý con sáo cũng là bài lý thuộc loại dân ca ba miền, được các soạn giả dựa theo các làn điệu của lý mà sáng tác lời mới để mồi cho một làn điệu, một lớp, hay chuyển sang một ý khác đang diễn trên sân khấu nhằm làm thay đổi “thính vị” người nghe. Nó thường được đưa xen vào những bài vọng cổ, ca nhạc cải lương vì trước hết, đó là một điệu thức quen thuộc, dễ ca, có vui, có buồn nên dễ cảm nhận (nhưng dùng điệu lý trong những trường hợp vui dễ thành công hơn) như lý con sáo, lý giao duyên, lý vọng phu, lý ngựa ô, lý Phước Kiến, lý thập tình…
 
Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ, chúng ta chỉ có thể cảm nhận về lý một cách khái quát và mang tính chung nhất mà thôi. Việc tìm hiểu, phân tích sâu hơn tất nhiên đòi hỏi phải có công trình chuyên khảo dày công của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, ở đó không thể thiếu phần ký âm từng điệu, giọng của các lão nghệ nhân.
 
Dưới đây là vài làn điệu lý “cùng lời khác nhạc” mà các nghệ nhân dân gian đã khéo xử lý những tiếng đệm lót, đệm phụ nghĩa, tiếng lý, tiếng đưa hơi, điệp ngữ… để nhằm hoàn chỉnh cấu trúc âm nhạc. Chúng tôi muốn giới thiệu một số làn điệu bài lý con sáo.
 
Trước tiên là bài được hát với tốc độ nhanh, nhịp điệu “nhát gừng”, khoẻ khoắn:
 
- Ai đem con sáo (ký) qua sông (ký) qua sông. Cho nên con sáo (ơ sáo) sổ lồng (à xa mà) bay xa. Cho nên con sáo (á sáo) sổ lồng (ờ xa mà) bay xa (Ai… xa).
 
Bài khác, hát theo giọng “ợ”, xử lý nhóm tiếng đệm “ừ vậy phải đó thê” với cơ cấu giai điệu cũng như cơ cấu điệu thức rất mượt mà, có duyên (do Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm):
 
- Ai đem con sáo (này ơ ợ là sông cái) qua sông (bớ em ôi! Dạ ừ vậy phải đó thê). Cho nên con sáo sổ lồng bay xa (đồn rằng tang tình bớ mà… bay xa).
 
Và một bài nữa với giọng “bằng”, sử dụng cụm từ “ưng ứng ưng” (do Hoàng lê và Trần Kiết Tường ghi):
 
- Ai, ai đem, ai đem bằng chim sáo, ưng ưng ứng ưng ưng.
Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông.
Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
Cho, cho nên, cho nên bằng chim sáo, ưng ưng, ứng ưng ưng.
Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng.
Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng.
Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
 
Đúng như câu tục ngữ “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”, một thời hát lý từng được thế nhân coi là một thể loại dân ca trội bật ở miền Nam. Đặc biệt, ở Nam Bộ hát lý có sức cuốn hút rất mãnh liệt, đến mức:
 
            Con cua quậy ở dưới hang,
            Nó nghe giọng lý kềnh càng bò lên!
(Lý con cua quầy)
 
“Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”, rõ ràng Nam Bộ không chỉ đã kế thừa cái vốn văn hóa cổ truyền có cội nguồn từ miền Bắc mà còn phát triển mạnh mẽ, làm tôn vinh cái vốn chung của dân tộc n

Nguyễn Hữu Hiệp

Source http://vanchuongviet.org

Thursday, September 1, 2016

Khách Tây ngỡ ngàng trước nhạc cụ Việt | VTC


GS Nguyễn Thuyết Phong: Âm nhạc dân tộc

Khuyết danh

Vừa qua, Hội thảo khoa học "Sân khấu và âm nhạc truyền thống Việt Nam với người nước ngoài" vừa được Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức tại Hà Nội. Tham gia chủ trì hội thảo có đại diện Viện Âm nhạc Việt Nam tại Mỹ - giáo sư tiến sĩ dân tộc nhạc học Nguyễn Thuyết Phong. Ông Phong hiện đang giúp Nhạc viện Quốc gia Hà Nội thành lập bộ môn Dân tộc nhạc học (ethnomusicology). Trao đổi với Thanh Niên, ông cho biết:

- Dân tộc nhạc học là một môn khoa học nghiên cứu về truyền thống âm nhạc các dân tộc trên thế giới chứ không phải đơn thuần là nghiên cứu về âm nhạc dân tộc thiểu số như nhiều người lầm tưởng. Trong dân tộc nhạc học, chúng tôi quan tâm đến 3 điều cơ bản: ý niệm làm nhạc, hành vi âm nhạc và cuối cùng mới là thực hành âm nhạc. Muốn có được âm nhạc phải trải qua cả ba giai đoạn đó. Như vậy lăng kính của nhà dân tộc nhạc học không chỉ là bài nhạc mà là toàn bộ tiến trình âm nhạc, bắt đầu từ suy nghĩ đến thực hành nhạc. Nghiên cứu tư duy nhạc là phải nghiên cứu về lý thuyết âm nhạc tại sao ở nước này lại khác nước khác, rồi phải nghiên cứu về lịch sử con người, lịch sử phát triển địa lý ra sao, tiếng nói ngôn ngữ có liên quan đến việc biểu diễn bài hát hay không. Đó là nghiên cứu tổng thể về con người trong âm nhạc.

* Đó có phải là những kiến thức ông mang đến chia sẻ cho các giảng viên của Nhạc viện Hà Nội ?

- Đúng vậy. Nhạc viện Hà Nội sẽ phải học tất cả những thứ đó: học về lịch sử, phương pháp nghiên cứu, các phương thức làm nhạc, hệ thống lý thuyết âm nhạc cũng như các nét lịch sử, văn hóa, địa lý có liên quan đến âm nhạc. Tôi dạy những môn cơ bản nhất của dân tộc nhạc học: phương pháp nghiên cứu lịch sử dân tộc nhạc học, phương pháp học, phương pháp nghiên cứu điền dã, phương pháp nghiên cứu về các dân tộc trên thế giới, phương pháp viết luận văn, tiểu luận, khóa luận. Đề tài gì cũng được nhưng có một phương pháp chung trong cách làm dàn bài, chuẩn bị sách nghiên cứu, trong cách hành văn... có thể áp dụng cho nhiều trường hợp dù là nhạc Việt Nam hay nhạc phương Tây.

Tôi đã giới thiệu về lịch sử ngành dân tộc nhạc học từ thế kỷ 18 đến 1950 và từ 1950 đến nay. Tôi cũng đã giới thiệu qua về các truyền thống âm nhạc Mỹ, Nam Mỹ, các hải đảo vùng Caribê, châu Âu, châu Phi, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Cùng với các sinh viên Nhạc viện Hà Nội, chúng tôi đang đi sâu nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Từ trước đến nay nhạc viện chỉ quan tâm chủ yếu đến các sáng tác cổ điển phương Tây hoặc của các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác theo phong cách Tây phương. Nay tôi hướng dẫn sinh viên tìm hiểu lý thuyết âm nhạc dân tộc Việt Nam, mới thấy ra rằng đó là cả một rừng biển chưa khai thác hết, chưa hiểu hết, vô cùng phong phú với những màu sắc rất độc đáo.

* Theo ông, có một nền âm nhạc dân tộc Việt Nam thống nhất hay không, hay đó là tập hợp của nhiều thể loại nhạc rất khác nhau ?

- Điều này rất khó nói. Âm nhạc Việt Nam có cái chung và cái riêng. Không biết thì nó là riêng, biết thì là chung, nhưng càng biết sâu hơn thì có nhiều cái riêng. Không thể quyết đoán âm nhạc Việt Nam là một. Nghe hát chèo thì rất khác với đờn ca tài tử hay ca Huế, nhưng điểm chung là ý niệm làm nhạc, nằm trong tổng thể dân tộc Kinh, có một quy trình rõ ràng, một sự tiến hóa từ Bắc vào Nam không đứt đoạn. Quan niệm làm nhạc là giống nhau, tuy phong cách chi tiết có thể khác. Ví dụ trong ca trù chỉ có cây đàn đáy rất khác với dàn nhạc Huế hay đờn ca tài tử Nam Bộ, nhưng ý niệm làm nhạc giống nhau, cao độ âm thanh bàng bạc trong khắp các miền. Qua nghiên cứu, tôi thấy Việt Nam cần phải khích lệ việc tìm hiểu nhạc dân tộc nhiều hơn, trong đó có âm nhạc dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khác. Muốn có nền âm nhạc Việt Nam "đậm đà bản sắc dân tộc" là phải trở về với ý niệm làm nhạc của người Việt Nam. Tôi đã ghi âm hàng ngàn giờ nhạc dân tộc ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam và từ 200 đến 400 băng video các buổi biểu diễn hay tiếp xúc với các nghệ sĩ để tìm hiểu cuộc đời, âm nhạc và cách thể hiện âm nhạc của họ. Tôi thấy việc làm ấy vẫn rất bé nhỏ, còn rất nhiều điều chưa biết, cần phải tìm hiểu thêm, ví dụ nhạc của các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc, nơi tôi chỉ đến thoáng qua thôi. Cần phải sống với các đồng bào ở đó để hiểu họ hơn và xem họ làm nhạc. Tôi cho rằng các nền âm nhạc trên Việt Nam đều hết sức phong phú, màu sắc, tôi ước được tìm hiểu thêm.

* Ông từng nhiều lần giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam cho khán giả Mỹ và châu Âu. Nhận xét của họ như thế nào?

- Khán giả đón nhận nhạc Việt Nam rất nhiệt tình. Đối với người Mỹ thì các âm thanh Việt Nam rất mềm mại và dễ nghe. Vả lại họ quen với hình ảnh Việt Nam trong chiến tranh nên thấy rất thú vị khi khám phá ra một nền âm nhạc Việt Nam phong phú với những âm thanh hiền hòa êm đềm. Ngay cả trong ca từ, chất nhạc là một nét độc đáo trong ngôn ngữ tiếng Việt, lên bổng xuống trầm. Trong tiếng Anh, Pháp... cũng có ngữ điệu bổng trầm nhưng là trong cả một câu nói. Còn tiếng Việt, mỗi từ là một giọng. Ghép nhiều từ trong một câu thì nhạc điệu rất giàu có. Tiếng Việt là một ngôn ngữ có dấu giọng, mà dấu giọng ấy còn phát triển hết sức tinh tế. Dấu giọng tiếng Việt thể hiện trong từng câu hát một cách chặt chẽ và quy củ. Cách uốn nắn giọng trong tiếng Việt rất đặc biệt và đậm nét. Một câu nói khi được hát lên khả năng diễn đạt rất dồi dào. Chúng ta có thể chuyển điệu dễ dàng với vài từ đó thôi. Đó là đặc thù của âm nhạc Việt Nam, có tính chất mở, mở rộng đón các sáng tạo, làm các nốt nhạc phong phú hơn. Cái sáng tạo đó không có trong nhiều truyền thống âm nhạc khác. Thơ trong tiếng Việt có thể đọc hoặc ngâm, khi ngâm lên là thành một bài nhạc, mà không phải là phổ nhạc như ở các nước khác. Truyền thống ngâm thơ rất độc đáo và mở ra cho các sáng tạo về làn điệu. Trong tiếng Anh, tiếng Pháp... thì hoặc là đọc thơ, hoặc là phổ thơ thành một bài hát, và khi đó tất cả mọi người đều phải hát theo bản nhạc đã sáng tác đó. Trong khi đó, bài thơ ở Việt Nam được ngâm theo các giọng khác nhau theo từng vùng miền và từng cá nhân, không cần có người sáng tác ra làn điệu để ngâm.

* Ông bắt đầu chương trình giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội từ tháng 9/2004, cảm nhận của ông như thế nào?

- Tôi rất thích và ấn tượng là ở Nhạc viện Hà Nội, các sinh viên rất chăm chỉ, lễ phép, lịch sự với tôi. Ở đây tình nghĩa thầy trò rất đẹp. Đặc biệt là trong ngày Nhà giáo VN 20/11, tôi được chứng kiến cảnh học trò tặng hoa các thầy cô, rồi cùng ôn lại chuyện cũ. Đó là một phong cách đặc biệt Việt Nam, rất lễ phép, có sự kính trọng đặc biệt với nhà giáo, một truyền thống đẹp cần phải duy trì. Truyền thống ấy thể hiện phong cách con người Việt Nam trong quan hệ với làng xóm, quê hương, đất nước.

* Theo ông, truyền thống ấy có thể hiện trong âm nhạc không?

- Truyền thống ấy rất rõ trong âm nhạc. Trong hát quan họ có mời trầu, mời nước khi bắt đầu cuộc hát, khi kết thúc thì có hát giã bạn, chia tay. Đó là cả một quy trình thể hiện nếp sống truyền thống của dân tộc mình, có trước có sau.

---------------------------------------
Ông Nguyễn Thuyết Phong sinh năm 1946 tại huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc tài tử, nhạc lễ Nam Bộ, ông chơi được khoảng 15 loại nhạc cụ dân tộc khác nhau và hát được nhiều thể loại nhạc truyền thống. Nguyễn Thuyết Phong tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc học và dân tộc học tại Pháp, hiện đang giảng dạy môn Dân tộc nhạc học tại nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ. Ông đoạt giải thưởng Di sản quốc gia Mỹ năm 1997, và có tên trong từ điển âm nhạc thế giới New Grove.

Thu Hương
(thực hiện)

Source vanhocnghethuat