Thursday, September 1, 2016

GS Nguyễn Thuyết Phong: Âm nhạc dân tộc

Khuyết danh

Vừa qua, Hội thảo khoa học "Sân khấu và âm nhạc truyền thống Việt Nam với người nước ngoài" vừa được Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức tại Hà Nội. Tham gia chủ trì hội thảo có đại diện Viện Âm nhạc Việt Nam tại Mỹ - giáo sư tiến sĩ dân tộc nhạc học Nguyễn Thuyết Phong. Ông Phong hiện đang giúp Nhạc viện Quốc gia Hà Nội thành lập bộ môn Dân tộc nhạc học (ethnomusicology). Trao đổi với Thanh Niên, ông cho biết:

- Dân tộc nhạc học là một môn khoa học nghiên cứu về truyền thống âm nhạc các dân tộc trên thế giới chứ không phải đơn thuần là nghiên cứu về âm nhạc dân tộc thiểu số như nhiều người lầm tưởng. Trong dân tộc nhạc học, chúng tôi quan tâm đến 3 điều cơ bản: ý niệm làm nhạc, hành vi âm nhạc và cuối cùng mới là thực hành âm nhạc. Muốn có được âm nhạc phải trải qua cả ba giai đoạn đó. Như vậy lăng kính của nhà dân tộc nhạc học không chỉ là bài nhạc mà là toàn bộ tiến trình âm nhạc, bắt đầu từ suy nghĩ đến thực hành nhạc. Nghiên cứu tư duy nhạc là phải nghiên cứu về lý thuyết âm nhạc tại sao ở nước này lại khác nước khác, rồi phải nghiên cứu về lịch sử con người, lịch sử phát triển địa lý ra sao, tiếng nói ngôn ngữ có liên quan đến việc biểu diễn bài hát hay không. Đó là nghiên cứu tổng thể về con người trong âm nhạc.

* Đó có phải là những kiến thức ông mang đến chia sẻ cho các giảng viên của Nhạc viện Hà Nội ?

- Đúng vậy. Nhạc viện Hà Nội sẽ phải học tất cả những thứ đó: học về lịch sử, phương pháp nghiên cứu, các phương thức làm nhạc, hệ thống lý thuyết âm nhạc cũng như các nét lịch sử, văn hóa, địa lý có liên quan đến âm nhạc. Tôi dạy những môn cơ bản nhất của dân tộc nhạc học: phương pháp nghiên cứu lịch sử dân tộc nhạc học, phương pháp học, phương pháp nghiên cứu điền dã, phương pháp nghiên cứu về các dân tộc trên thế giới, phương pháp viết luận văn, tiểu luận, khóa luận. Đề tài gì cũng được nhưng có một phương pháp chung trong cách làm dàn bài, chuẩn bị sách nghiên cứu, trong cách hành văn... có thể áp dụng cho nhiều trường hợp dù là nhạc Việt Nam hay nhạc phương Tây.

Tôi đã giới thiệu về lịch sử ngành dân tộc nhạc học từ thế kỷ 18 đến 1950 và từ 1950 đến nay. Tôi cũng đã giới thiệu qua về các truyền thống âm nhạc Mỹ, Nam Mỹ, các hải đảo vùng Caribê, châu Âu, châu Phi, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Cùng với các sinh viên Nhạc viện Hà Nội, chúng tôi đang đi sâu nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Từ trước đến nay nhạc viện chỉ quan tâm chủ yếu đến các sáng tác cổ điển phương Tây hoặc của các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác theo phong cách Tây phương. Nay tôi hướng dẫn sinh viên tìm hiểu lý thuyết âm nhạc dân tộc Việt Nam, mới thấy ra rằng đó là cả một rừng biển chưa khai thác hết, chưa hiểu hết, vô cùng phong phú với những màu sắc rất độc đáo.

* Theo ông, có một nền âm nhạc dân tộc Việt Nam thống nhất hay không, hay đó là tập hợp của nhiều thể loại nhạc rất khác nhau ?

- Điều này rất khó nói. Âm nhạc Việt Nam có cái chung và cái riêng. Không biết thì nó là riêng, biết thì là chung, nhưng càng biết sâu hơn thì có nhiều cái riêng. Không thể quyết đoán âm nhạc Việt Nam là một. Nghe hát chèo thì rất khác với đờn ca tài tử hay ca Huế, nhưng điểm chung là ý niệm làm nhạc, nằm trong tổng thể dân tộc Kinh, có một quy trình rõ ràng, một sự tiến hóa từ Bắc vào Nam không đứt đoạn. Quan niệm làm nhạc là giống nhau, tuy phong cách chi tiết có thể khác. Ví dụ trong ca trù chỉ có cây đàn đáy rất khác với dàn nhạc Huế hay đờn ca tài tử Nam Bộ, nhưng ý niệm làm nhạc giống nhau, cao độ âm thanh bàng bạc trong khắp các miền. Qua nghiên cứu, tôi thấy Việt Nam cần phải khích lệ việc tìm hiểu nhạc dân tộc nhiều hơn, trong đó có âm nhạc dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khác. Muốn có nền âm nhạc Việt Nam "đậm đà bản sắc dân tộc" là phải trở về với ý niệm làm nhạc của người Việt Nam. Tôi đã ghi âm hàng ngàn giờ nhạc dân tộc ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam và từ 200 đến 400 băng video các buổi biểu diễn hay tiếp xúc với các nghệ sĩ để tìm hiểu cuộc đời, âm nhạc và cách thể hiện âm nhạc của họ. Tôi thấy việc làm ấy vẫn rất bé nhỏ, còn rất nhiều điều chưa biết, cần phải tìm hiểu thêm, ví dụ nhạc của các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc, nơi tôi chỉ đến thoáng qua thôi. Cần phải sống với các đồng bào ở đó để hiểu họ hơn và xem họ làm nhạc. Tôi cho rằng các nền âm nhạc trên Việt Nam đều hết sức phong phú, màu sắc, tôi ước được tìm hiểu thêm.

* Ông từng nhiều lần giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam cho khán giả Mỹ và châu Âu. Nhận xét của họ như thế nào?

- Khán giả đón nhận nhạc Việt Nam rất nhiệt tình. Đối với người Mỹ thì các âm thanh Việt Nam rất mềm mại và dễ nghe. Vả lại họ quen với hình ảnh Việt Nam trong chiến tranh nên thấy rất thú vị khi khám phá ra một nền âm nhạc Việt Nam phong phú với những âm thanh hiền hòa êm đềm. Ngay cả trong ca từ, chất nhạc là một nét độc đáo trong ngôn ngữ tiếng Việt, lên bổng xuống trầm. Trong tiếng Anh, Pháp... cũng có ngữ điệu bổng trầm nhưng là trong cả một câu nói. Còn tiếng Việt, mỗi từ là một giọng. Ghép nhiều từ trong một câu thì nhạc điệu rất giàu có. Tiếng Việt là một ngôn ngữ có dấu giọng, mà dấu giọng ấy còn phát triển hết sức tinh tế. Dấu giọng tiếng Việt thể hiện trong từng câu hát một cách chặt chẽ và quy củ. Cách uốn nắn giọng trong tiếng Việt rất đặc biệt và đậm nét. Một câu nói khi được hát lên khả năng diễn đạt rất dồi dào. Chúng ta có thể chuyển điệu dễ dàng với vài từ đó thôi. Đó là đặc thù của âm nhạc Việt Nam, có tính chất mở, mở rộng đón các sáng tạo, làm các nốt nhạc phong phú hơn. Cái sáng tạo đó không có trong nhiều truyền thống âm nhạc khác. Thơ trong tiếng Việt có thể đọc hoặc ngâm, khi ngâm lên là thành một bài nhạc, mà không phải là phổ nhạc như ở các nước khác. Truyền thống ngâm thơ rất độc đáo và mở ra cho các sáng tạo về làn điệu. Trong tiếng Anh, tiếng Pháp... thì hoặc là đọc thơ, hoặc là phổ thơ thành một bài hát, và khi đó tất cả mọi người đều phải hát theo bản nhạc đã sáng tác đó. Trong khi đó, bài thơ ở Việt Nam được ngâm theo các giọng khác nhau theo từng vùng miền và từng cá nhân, không cần có người sáng tác ra làn điệu để ngâm.

* Ông bắt đầu chương trình giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội từ tháng 9/2004, cảm nhận của ông như thế nào?

- Tôi rất thích và ấn tượng là ở Nhạc viện Hà Nội, các sinh viên rất chăm chỉ, lễ phép, lịch sự với tôi. Ở đây tình nghĩa thầy trò rất đẹp. Đặc biệt là trong ngày Nhà giáo VN 20/11, tôi được chứng kiến cảnh học trò tặng hoa các thầy cô, rồi cùng ôn lại chuyện cũ. Đó là một phong cách đặc biệt Việt Nam, rất lễ phép, có sự kính trọng đặc biệt với nhà giáo, một truyền thống đẹp cần phải duy trì. Truyền thống ấy thể hiện phong cách con người Việt Nam trong quan hệ với làng xóm, quê hương, đất nước.

* Theo ông, truyền thống ấy có thể hiện trong âm nhạc không?

- Truyền thống ấy rất rõ trong âm nhạc. Trong hát quan họ có mời trầu, mời nước khi bắt đầu cuộc hát, khi kết thúc thì có hát giã bạn, chia tay. Đó là cả một quy trình thể hiện nếp sống truyền thống của dân tộc mình, có trước có sau.

---------------------------------------
Ông Nguyễn Thuyết Phong sinh năm 1946 tại huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc tài tử, nhạc lễ Nam Bộ, ông chơi được khoảng 15 loại nhạc cụ dân tộc khác nhau và hát được nhiều thể loại nhạc truyền thống. Nguyễn Thuyết Phong tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc học và dân tộc học tại Pháp, hiện đang giảng dạy môn Dân tộc nhạc học tại nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ. Ông đoạt giải thưởng Di sản quốc gia Mỹ năm 1997, và có tên trong từ điển âm nhạc thế giới New Grove.

Thu Hương
(thực hiện)

Source vanhocnghethuat

No comments: