Saturday, September 23, 2017

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có phải là ông tổ ngành cải lương?

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có phải là ông tổ ngành cải lương? 

Khuyết danh  

Gần đây, trong một buổi gặp gỡ các bạn trẻ sinh viên yêu thích cải lương và âm nhạc truyền thống, các bạn có đặt câu hỏi: "Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ bản Dạ cổ hoài lang, vậy ông có phải là ông tổ của ngành cải lương không?". Bài viết sau đây cung cấp thêm một số thông tin về nhạc sĩ họ Cao cũng như về bản Dạ cổ hoài lang...

Ông Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Năm 1901, ông Cao theo gia đình đến lập nghiệp tại Bạc Liêu rồi ở luôn tại đây cho đến hết đời (ông qua đời ngày 13/8/1976). Thuở nhỏ, ông học chữ nho rồi học chữ quốc ngữ đến "lớp nhì năm thứ hai" (Cours moyen 2e année) tức lớp bốn ngày nay; sau đó quy y tại chùa Vĩnh Phước - Bạc Liêu. Sau khi rời cửa Phật, ông học nhạc lễ và là một trong những môn đệ giỏi về nhạc lễ của nhạc sư Lê Tài Khị (Nhạc Khị). Ông sử dụng rành rẽ đờn tranh, cò, kìm và trống lễ. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến bản Dạ cổ hoài lang (1919) được xem là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Ông viết bản nhạc trên gồm 20 câu, nhịp 2 để trút cạn nỗi niềm tâm sự.

Nỗi niềm ấy ra sao? Nhiều lần ông thổ lộ với bạn tri âm: "Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ tôi. Năm tôi viết bản Dạ cổ hoài lang, tôi đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con. Tam niên vô tử bất thành thê. Vợ chồng ăn ở với nhau trong 3 năm, vợ không sanh con, chồng được quyền bỏ để cưới người khác hầu có con nối dõi tông đường. Thời phong kiến có những quan niệm chưa đúng. Người ta cho rằng vợ chồng không sanh con là do lỗi của người đàn bà. Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ vợ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu, xót thương cho vợ chồng tôi gặp phải cảnh đau lòng mà cho ở đậu qua ngày với hy vọng vợ chồng tôi sẽ có con và chiến thắng một quan niệm khắc nghiệt, lạc hậu, chịu ảnh hưởng nặng đạo lý thời phong kiến”. Trong thời gian dài phu thê phải cam chịu cảnh “Đêm đông gối chiếc cô phòng", tâm tư nặng trĩu u buồn nên nhạc sĩ Sáu Lầu đêm đêm mượn tiếng đờn nắn nót đôi câu để bớt cơn phiền muộn. Ông thừa hiểu người bạn đời cũng đau xót như ông. Bản Dạ cổ hoài lang ra đời trong bối cảnh như thế

Nói cho rõ hơn, trong thời gian tác phẩm chưa hoàn toàn hoàn chỉnh, nhạc sĩ Sáu Lầu cùng anh em tài tử địa phương đờn tới đờn lui bản này để lấy ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp về phương diện sáng tác. Chuông, trống "công phu" ngân vang khiến anh em nhạc sĩ đất Bạc Liêu nhớ lại hồi chín, mười tuổi ông Sáu Lầu quy y làm "Sa di" tại chùa Vĩnh Phước. Chú tiểu từng đánh trống, dộng chuông công phu hai buổi sớm chiều. Do đó, anh em đề nghị thêm hai chữ "Dạ cổ" (tiếng trống về đêm) cho ý nghĩa thêm sâu đậm. Ông Sáu hoan nghênh nên bản nhạc có tên hoàn chỉnh là "Dạ cổ hoài lang", tức "Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng".

Từ "Dạ cổ hoài lang" đến vọng cổ

Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp 2. Đó là đứa con của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng khi "Dạ cổ" hòa nhập vào sân khấu cải lương thì hai soạn giả tiền phong góp công đầu để biến bản nhạc này từ nhịp 2 trở thành nhịp 4 là Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) và Mộng Vân (Trần Tấn Trung). Tiếng nhạn kêu sương là bản "Vọng cổ hoài lang" nhịp 4 đầu tiên do soạn giả Huỳnh Thủ Trung (1907 - 1964) sáng tác vào năm 1925. Trên những chặng đường phát triển, khi bản "Vọng cổ hoài lang" được nâng lên nhịp 8 (từ khoảng năm 1934 đến 1944) thì nó có tên mới là "Vọng cổ" (không còn cái đuôi "hoài lang"). Từ khoảng 1944 - 1954, vọng cổ tăng lên nhịp 16; thời kỳ kế tiếp: 1955 - 1964: tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.

Hậu thế đã nhận định như sau: Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp 2. Bản "Vọng cổ" từ nhịp 4 trở đi, trên những chặng đường phát triển, thuộc công trình chung của tài tử tứ phương. Còn ông tổ cải lương dứt khoát không phải là Cao Văn Lầu. Bản Dạ cổ hoài lang chào đời năm 1919, trong khi sân khấu cải lương ra đời khoảng năm 1916.

Ông tổ cải lương là ai? Nhiều nhà nghiên cứu đã xác định ngành cải lương thờ chung một ông tổ với hát bội.

Đi sâu nghiên cứu,chúng tôi thấy có nhiều tư liệu khác biệt:

1) Theo NSƯT, nhạc sĩ Vũy Chỗ xác định cụ thể: Chính Thầy Thống tức ông Trần Xuân Thơ, với sự đồng ý của nhạc sĩ Sáu Lầu, viết bài ca Từ phu tướng, đồng thời có chấn chỉnh một vài chữ nhạc ở câu thứ nhất và thứ bảy cho sắc sảo hơn (Báo Sân khấu số 333 ngày 26/5/1997).

2) Theo nhà nghiên cứu Hoài Ngọc, trong biên khảo "Sân khấu cải lương" (chưa xuất bản), tác giả viết theo lời kể của NS Sáu Lầu: "...Chừng mấy tháng sau, tôi nghe người ta có đặt bài ca cho bản Dạ cổ hoài lang của tôi rồi, và ca cho tôi nghe, thật đúng y như chữ đờn..." (người ta ở đây là nhóm tài tử Sài Gòn - ghi chú của NV).

3) Qua bài viết của ông Trần Phước Thuận, đồng hương với nhạc sĩ Sáu Lầu, xác nhận "Bản Dạ cổ hoài lang, cả nhạc lẫn lời đều do ông Cao Văn Lầu sáng tác" (Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 2 (40) 2003, trang 37).

 
Huỳnh Công Minh - Thiên Mộc Lan
 

Source Van Chuong Viet

Tuesday, August 29, 2017

Bia Con Cọp (Thể loại Hát rong) - Đinh Thức

Nhiệt độ tại San Jose (Thung Lũng Hoa Vàng) mấy ngày nầy (08-2017) đang trên đà tăng lên 30 độ C (khoảng 83 độ F) và được dự báo cuối tuần vào khoảng 37, 38 độ C (khoảng 100 độ F). Nóng ngang ngửa TP. Hồ Chí Minh... nóng thở phì phò, quạt phành phạch ...

Thời tiết Sài Gòn vào những năm thập niên 70 khá mát mẻ, không quá đông đúc xe cộ bận rộn như ngày nay... Tuy vậy, đối với những giới bình dân lao động vất vả suốt ngày nắng thì không có gì thú vị hơn sau một ngày dài lao động mệt nhọc được tụm năm tụm ba lai rai vài chai bia hoặc vài ba xị rượu tán chuyện ở những quán cóc lề đường, có khi hứng thú làm vài két say "hết biết" mới mò về... Đó cũng là một trong những nét sinh hoạt của dân Sài Gòn xưa, vất vả nhưng xả láng...

Nhớ đến bia, kể chuyện bia... Bia Con Cọp là loại bia được sản xuất và ưa chuộng tại Sài Gòn, Việt Nam vào những năm trước 1975...

 
"Năm 1927, bia Larue với hình con cọp in trên nhãn chai xuất hiện tại Việt Nam do hãng BGI (Brasseries et Glacieres Internationales) sản xuất. Bia có màu vàng sậm và hương vị Pháp nên không lâu sau sản phẩm đã chinh phục khẩu vị người dùng..."
 
Trích: "Hành trình 100 năm của bia 'con cọp' Larue". Photo: VnExpress.


 
Thể loại Hát rong
 

Friday, August 11, 2017

Tục Ngữ - Ca Dao - Mối liên hệ giữa Ca Dao và Dân Ca

Tục Ngữ - Ca Dao - Mối liên hệ giữa Ca Dao và Dân Ca

Ðịnh Nghĩa Tục Ngữ - Ca Dao
(bài do Julia Nguyễn cung cấp)

… Chọn một số sách biên khảo về văn chương bình dân hay nói rõ hơn, về thi ca truyền miệng, xuất bản tại Việt Nam trong vòng 50 năm, từ công trình của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1928) cho tới khảo luận của Vũ Ngọc Phan (1978) để rút ra một kết luận riêng cho việc dẫn dắt tuổi trẻ Việt Nam trở về con đường dân ca như chúng tôi mong muốn.

Tục ngữ là gì?
Trước hết, các vị tiền bối đã cho ta thấy trong phạm vi tục ngữ mà các cụ định nghĩa là "câu nói có ý nghĩa, dễ nhớ vì có vần có điệu, lưu hành bằng cách truyền khẩu từ đi này qua đi khác", có nhiều danh từ cũng có chung một định nghĩa như tục ngữ. Chẳng hạn :


ngạn ngữ = lời xưa truyền lại.
thành ngữ = câu nói có sẵn, không thi vị người ta quen dùng. 


Trong tục ngữ lại còn có cả :


sấm ngữ = lời tiên tri.
mê ngữ = câu đố.
lí ngữ = lời phải trái.


Và cũng trong gia đình tục ngữ, người xưa còn có thêm :


phương ngôn = tục ngữ của một địa phương.
châm ngôn = câu nói khuyên răn đi.


Ca dao là gì ?
Còn chữ "ca dao" mà các cụ định nghĩa là : "bài hát ngắn lưu hành trong dân gian" (tức là dân ca theo quan niệm thời nay) thì ngoài danh từ đó ra còn có :


phong dao = câu hát dân gian, tả phong tục tập quán.
đồng dao = bài hát của trẻ em (nhi đồng ca).
dân dao = ca dao do dân chúng làm ra.


Cuối cùng, lại có cả một danh từ, có vẻ như là câu nói tắt của hai chữ "tục ngữ -- ca dao":


tục diêu (dao) = tục ngữ bằng thơ lục bát.


Ai sáng tác ca dao ?
Một giả thuyết rất hấp dẫn được đưa ra, mà Phạm Văn Diêu là người cả quyết nhất, chủ trương : Ca dao là thi ca truyền miệng có tác giả chứ không hẳn chỉ là của quần chúng vô danh.


Hơn nữa, dù là của quần chúng vô danh hay của tác giả, ta vẫn thấy công dụng của ca dao là : Ca dao làm ra để hát, ngoài những câu hay những bài có tính chất mô tả tình phong tục tập quán còn là những câu hát về thời tiết, về thời sự, tóm tắt lại là những câu hát, những bài hát có dính dấp đến chính trị, có tính chất tuyên truyền nữa.


Dân ca cổ = Ca dao
Mối liên hệ giữa dân ca cổ và ca dao là : Toàn thể hình thức thơ truyền miệng hoặc một bộ phận trong đó là ca dao, không hoàn toàn trở thành những bài hát dân gian, tức dân ca, nhưng ta có thể nói rằng một phần lớn dân ca cổ đều xuất xứ từ ca dao. Nếu các vị tiền bối của chúng ta chỉ mới khẳng định là có một sự liên hệ rất chặt chẽ giữa ca dao và dân ca qua những tác phẩm vừa được nêu ra thì qua phần tới của tiểu luận này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự liên hệ đó ra sao với phương pháp nhạc học thuần lý. 


Ta có thể lập luận một cách rõ ràng hơn nữa về sự liên hệ giữa ca dao và dân ca :


Theo truyền thống văn học nghệ thuật bình dân Việt Nam, thơ không tách rời khỏi nhạc. Lời thơ đầu tiên có thể là câu hát đầu tiên. Như vậy, giữa dân ca và ca dao không có ranh giới. Có phân biệt thì chỉ là khi nói tới ca dao, ta nghĩ đó là thơ dân gian. Khi nói tới dân ca, ta nghĩ đó là một thể loại ca nhạc. Hiểu theo cách thông thường :


Phân Loại Dân Ca Cổ

Ngâm, Ru
Bởi vì dân ca gắn liền vào đời sống của người dân cho nên tôi phác họa ra những bước tiến của dân ca, khởi đầu bằng hai loại "ngâm" và "ru" là những loại ca dành cho từng cá nhân, hát một mình hay để ru cho con ngủ. Ðó là hình thức dân ca thô sơ nhất vì (như đã nói ở trên) chỉ dùng một giai điệu nào đó, chưa cần phải sáng tạo nhịp điệu cho câu "ngâm" hay câu "ru" ngoài việc hát theo vận tiết của thơ (phần nhiều là thơ lục bát).


Ngâm Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
vân vân...

Ru Con:
Cái ngủ mày ngủ y y y cho à lâu
Mẹ mày đi cấy ý y a ruộng sâu
Chưa à về ...

Hò Làm Việc
Bước tiến thứ hai là từ dân ca của lúc ngồi hay lúc nằm trong nhà tiến tới dân ca dùng trong công việc hàng ngày (tức là loại hò làm việc) như "hò dô ta", "hò đẩy xe", "hò chèo thuyền", "hò cấy lúa", "hò đạp nước", "hò giã gạo" , "hò nện" v.v... Ở đây, dân ca không còn là bài hát tâm tình mà trở thành bài hát trợ sức làm việc, người hò (hò = hô to lên) bắt buộc phải tạo ra nhịp điệu (tiết tấu) của công việc. Dân ca không còn tính chất cá nhân mà mang tính chất tập thể, có giọng chính, giọng phụ, có hò cái, hò con. Ví dụ :
 
Hò Dô Ta:
Giọng chính (Hò cái) : Ta dô ta
Giọng phụ (Hò con) : Dô
Giọng chính (Hò cái) : Ta kéo gỗ
Giọng phụ (Hò con) : Dô
Giọng chính (Hò cái) : Gỗ làm đình
Giọng phụ (Hò con) : Dô
v.v...

Hò Nện
(công việc nện đất làm nền xây nhà)
Hò cái : Mời bạn hò khoan này
Hò con : Hụ là khoan
Hò cái : A lá khoan hò khoan là
Hò con : Hụ là khoan
Hò cái : Biết răng chừ
Hò con : Hụ là khoan
Hò cái : Cho tới tháng hai
Hò con : Hụ là khoan
Hò cái : Con gái làm ruộng
Hò con : Hụ là khoan
Hò cái : Con trai be bờ
Hò con : Hụ là khoan
Hò cái : A lá khoan hò khoan là
Hò con : Hụ là khoan...
v.v...


Hò Nghỉ Ngơi
Hò của người Việt Nam khi xưa không hẳn chỉ là "hò làm việc" (work song) mà còn là "hò nghỉ ngơi" (rest song) nữa. Làm việc đầu tắt mặt tối đến mấy thì cũng có lúc phải ngưng tay chứ. Ðây là lúc trai gái trao tình với nhau, và khi trao đổi câu hát như thế thì họ cũng gọi luôn là hò. Và chúng ta có "hò giao duyên", "hát huê tình", "hò chơi", "hò đối đáp" v.v...
 
Hò Giao Duyên:
Gặp nhau đây mới đầu trăng gió
Hỏi một lời : đã có chồng chưa ?
 
Hò Chơi mang tính chất địa phương và huê tình thì có :
Ghe anh nhỏ mũi trảng lườn
Ở trên Gia Ðịnh xuống vườn thăm em...

(Xin chú ý: Hò Nghỉ Ngơi không giàu tiết tấu bằng Hò Làm Việc).

Hò Hội hay Hát Hội
Sau giai đoạn hát tâm tình, hát làm việc, hát nghỉ ngơi... dân ca Việt Nam bước tới giai đoạn hát đám, hát hội. Người dân đem nhau ra trước công chúng để thi hát với nhau trong những hội hè đình đám. Trước tiên là hình thức "hát soan" (túc là hát trong hội mùa xuân), "hát đúm" (túc là hát đám), "hát ví" v.v... Rồi có bàn tay nghệ sĩ (nghệ nhân) nhúng vào một loại hát cần phải phong phú hơn các loại chỉ có tính cách tự phát của người dân. Phải có tổ chức trong Hát Hội, ví dụ : "hát trống quân" cần cái trống đất để đệm cho người hát. Và tổ chức cao nhất của hát hội phải là "hát quan họ" vì người ta cần phải phát minh ra rất nhiều lối hát, điệu hát khác nhau.
 

Trong Dân Ca Cổ Việt Nam, tổ chức Hát Quan Họ được coi là hình thức nghệ thuật cao nhất của lớp nông dân, phát sinh từ vùng Bắc Ninh, Bắc Việt. Nó không còn là loại ca hát giản dị hằng ngày dành riêng cho từng người mà trở thành trò tiêu khiển của đám đông và luôn luôn cần có bàn tay nghệ thuật làm cho nó thêm phong phú.
 
Hát Ví
(trong Hát Quan Họ)
Cô cả cô hai đó ơi !
Ở nhà tôi mới tới đây
Lạ thung lạ thổ tôi nay lạ nhà
Ba cô tôi lạ cả ba
Bốn cô lạ bốn biết là quen ai?
Ðến đây lạ cả bạn trai
Lạ cả bạn gái biết ai mà chào
Bây giờ biết nói làm sao
Biết ai quen thuộc mà vào trình thưa
Cô cả cô hai đó ơi !

Hát Trống Quân :
Trên trời (mà) có đám mây xanh
Dưới đất (thì) mây trắng
Chung quanh mây vàng
Thình thùng thình...
Ước gì (mà) anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch Bát Tràng đem về xây
Thình thùng thình..
.
Hát Quan Họ
Mở đầu cuộc hát thi là những câu hát giản dị như bài Hát Mời Trầu :

Mời cô sơi miếng trầu nầy
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Ăn dăm ba miếng cho lòng anh vui

Rồi cuộc thi hát trở nên phứt tạp hơn với những bài hát có rất nhiều tính chất nghệ thuật như Ngồi Tựa Mạn Thuyền hay là Se Chỉ Luồn Kim...

Hát Thờ
Dân ca có mặt trong đời sống tình cảm, đời sống xã hội và có mặt luôn trong đời sống tâm linh của người dân nữa. Do đó ta có "Hát Chầu Văn", "Hát Bóng"... là loại hát thờ. Không cần nói thì ta cũng thấy về phần nhạc thuật, người đàn, hát (cung văn), người đánh trống phải làm sao để người hầu bóng có thể bị thôi miên và lên đồng được.
 
Giọng Cờn
(Hát Bóng Cô) :
Ðằng vân giá võ về nơi Thủy Tề
Các quan vui trên ngàn dưới địa
Vui đền thờ qúy địa danh lam
Quần thần văn võ bá quan
Công đồng yến ẩm thạch bàn còn ghi...


Hát Rong
Dân Ca khi xưa còn là những tờ báo truyền miệng, đem chuyện vùng này tới vùng kia qua hình thức hát rong với lối "hát vè", "hát xẩm"...
 
Vè Kể Chuyện Con Gái Mê Hát Bội
Nghe giống trống kỳ
Rủ nhau ra đi
Ðến làm chật chỗ
Lúc này không ngộ (hay)
Mới đánh đầu tuồng
Chạy thẳng vô buồng
Thấy hai chú tướng
Tướng này không sướng
Không bằng tướng kia
Ai về thì về
Tôi coi tới sáng...


Hát Xẩm thời xưa ở Bắc Việt

Dân Ca Cổ
Dân Ca Cổ còn tồn tại, nghĩa là còn thấy có ít nhiều sinh hoạt trong đời sống Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20, gồm các loại hát như ru, lý, hò, ví, xẩm v.v... thường là những câu thơ truyền miệng (oral poetry) được hát lên với nhạc điệu và nhịp điệu khác nhau, tùy theo địa phương và công dụng của bài hát hoặc của loại hát. Dân ca cổ vẫn được coi là sáng tác tập thể của nhân dân, của vô danh, dù đã có thuyết cho rằng nó cũng phải bắt đầu từ một người nào đó, trong một thời đại nào đó, rồi vì có giá trị cho nên đã được lưu truyền bằng cửa miệng và trở thành gia tài của tập thể.

Dân Ca Mới
Dân Ca Mới phát sinh vào giữa thập niên 40 sau khi nền nhạc mới, được gọi là nhạc cải cách (về sau gọi là tân nhạc) vừa ra đời và chịu ảnh hưởng của nhạc Âu Tây, rồi vì muốn cho tân nhạc có dân tộc tính cho nên một số nhà cải cách thời đó đã quay về nghiên cứu dân ca cổ để khởi sự từ cái vốn cũ, sáng tác những bản nhạc mà họ gọi là dân ca cải biên, dân ca phát triển, dân ca phục hồi hay dân ca mới. 

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đi vào kho tàng của dân ca cổ để tìm hiểu gia tài quý báu đó, trước khi đi tới dân ca mới.


Mối Liên Hệ Dân Ca Cổ và Ca Dao
Trong ngành nghệ thuật bình dân cổ truyền Việt Nam, đã có một sự liên hệ chặt chẽ giữa dân ca và ca dao. Dân ca cổ, như đã nói trên, thường là thơ truyền miệng được hát lên. Muốn hiểu kỹ dân ca cổ, phải nghiên cứu văn học dân gian trong đó có thi ca truyền miệng. Thơ truyền miệng Việt Nam trong dĩ vãng đã mang nhiều tên như ca dao, phong dao, đồng dao... và đã được nhiều học giả sưu tập, nghiên cứu và san định.
 
Tục ngữ là câu nói có ý nghĩa, dễ nhớ vì có vần có điệu, lưu hành bằng cách truyền khẩu
Ca dao là dân ca tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy.
Dân ca là ca dao đã trở thành câu hát, bài hát, điệu hát.

Trích “Khái Quát về Dân Nhạc Dân Ca Việt Nam” – tác giả Phạm Duy
 
Source E-Cadao

Thursday, July 20, 2017

Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam | Xuân Mai


Quê hương qua Ca Dao: Bắt Chuồn Chuồn - Đinh Thức

Bắt Chuồn Chuồn

Rủ nhau đi bắt chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.

(Ca dao - Tục ngữ)

 
(Thể loại Đồng dao)

Wednesday, June 21, 2017

Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao

Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao 
Khuyết danh  

Biểu trưng nói một cách đơn giản là dùng cái A để nói cái B. Chẳng hạn, cặp biểu trưng "cá chậu - chim lồng" biểu trưng cho cảnh tù túng của một ai đó, trong ca dao thường có biểu trưng cho người con gái có chồng (mà không hạnh phúc).

Biểu trưng bao giờ cũng gắn với văn hóa tộc người và vùng đất bởi quá trình biểu trưng hóa (quá trình liên tưởng so sánh giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt) bị sự chi phối của môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Xuất phát từ luận điểm này, chúng tôi tìm hiểu tính cách người Việt Nam bộ qua các biểu trưng ca dao.

Biểu trưng với tinh thần trọng nghĩa khinh tài

Trọng nghĩa là tinh thần của những con người nghĩa khí, những con người sẵn sàng xả thân mình để cứu người, để làm những việc mà họ cho là hợp với đạo lý và lòng trung thành. Lục Vân Tiên, Hớn Minh của Nguyễn Đình Chiểu cũng là những nhân vật được xây dựng trên tinh thần "Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng". Tác giả ca dao Nam bộ thường xuyên nói về chữ nghĩa cũng trên tinh thần đó. Trọng nghĩa là thái độ ứng xử của người Việt Nam nói chung chứ không riêng của người Việt Nam bộ. Có điều, đây là một nét trội trong tính cách của người dân vùng đất mới. Họ vốn là những lưu dân đi tìm sự sống trong muôn ngàn cái chết. Qua nhiều lần thoát hiểm nhờ sự liên kết, nhờ tinh thần hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, họ càng thấm thía thế nào là tình huynh đệ hào hiệp. Trọng nghĩa gắn với khinh tài. Nếu người xưa đã từng cay đắng nhận rằng "nén bạc đâm toạc tờ giấy" hoặc chua chát "có tiền mua tiên cũng được" thì tác giả ca dao Nam bộ khẳng định:

Tiền tài như phấn thổ,
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người bạc tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi.

Phấn thổ (bụi đất) và thiên kim (ngàn vàng) trong bài ca dao mang ý nghĩa biểu trưng. Sự đối lập của hai hình ảnh nầy chính là sự đối lập giữa cái tầm thường và cái cao quí. Nếu có cái gọi là bên trọng bên khinh thì nghĩa là bên trọng, tiền tài là bên khinh. Bài ca trên còn một dị bản như là bằng chứng về sự phổ biến của thái độ trọng nghĩa khinh tài:

Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tựa thiên kim
Đứt dây nên gỗ mới chìm
Người bất nhân bất nghĩa kiếm tìm làm chi.

Biểu trưng vàng trong bài ca trên đã từng được tác giả ca dao Nam bộ sử dụng. Nghĩa khái quát nhất, tập trung nhất của vàng là biểu trưng cho cái quý giá. Đó là cái quý giá về vật chất, quý giá về tinh thần và con người quý giá. Vàng trong lòng vàng biểu trưng cho lòng chung thủy trong tình yêu:

Bướm ong bay lượn rộn ràng,
Em nguyền giữ tấm lòng vàng với anh.

Trong ca dao Nam bộ, vàng thường xuất hiện với đá cùng với cách nói nghĩa đá vàng. Ở đây tác giả dân gian không nhầm so sánh giá trị hơn kém giữa chúng mà hướng tới đặc điểm chung của hai loại chất. Đá và vàng đều có khả năng tồn tại lâu dài, bền vững cho nên chúng biểu trưng cho nghĩa sắt son:

Ví dầu nước chảy đá mòn,
Xa nhau nghìn dặm lòng còn nhớ thương.

Người nghĩa khí một mặt sẵn sàng xả thân vì nghĩa xem tiền tài như cỏ rác, một mặt chấp nhận cảnh sống bần hàn để giữ tròn đạo nghĩa qua hình ảnh biểu trưng của hai đại đệ tử Khổng giáo, Tăng Sâm và Tử Lộ:

Anh tỉ phận anh
Thà ở lều tranh
Như thầy Tăng, thầy Lộ,
Chớ không ham mộ
Của Vương Khải, Thạch Sùng,
Đạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao.

Ca dao Bắc bộ (ca dao các vùng khác nói chung) không thiếu những bài nói về tình nghĩa, nghĩa bạn bè, nghĩa đồng bào, tình nghĩa lứa đôi... với những hình ảnh biểu trưng như bầu bí, nhiễu điều - giá gương... bằng một giọng điệu nhẹ nhàng:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(Ca dao Bắc bộ)

Ca dao Nam bộ cũng với tinh thần trọng nghĩa ấy nhưng được thể hiện bằng tình huống và thái độ mạnh mẽ với biểu trưng sống qua hình ảnh ruột thắt gan bào:

Ngó lên trời mây bay vần vũ,
Ngó xuống âm phủ đủ mặt bá quan,
Ngó lên Nam Vang thấy cây trăm thước,
Nhìn sông Trước thấy sóng bủa lao xao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không?

Đạo nghĩa hay điệu nghệ là luật lệ riêng của lưu dân thời kỳ khai hoang, những người bị giai cấp cầm quyền coi là kẻ tiểu nhân dốt nát. Lưu dân thú nhận sự dốt nát của họ bằng thái độ tự tôn. Họ bất cần bọn quan lại và luật lệ của chúng, để rồi hướng tới tinh thần điệu nghệ. Điệu (đạo), là lòng từ bi bác ái, tình nghĩa giữa con người, Nghệ (nghĩa) là nghĩa khí, không lợi dụng quyền thế lấn áp kẻ yếu, không hại kẻ thất thế, ăn ở thủy chung, kết giao không tính toán thiệt hơn, dám liều thân giúp người... Quan niệm điệu nghệ tạo nên một kiểu anh hùng, một kiểu quân tử bình dân. Biểu trưng chim quyên, một biểu trưng riêng của ca dao phương Nam, là hình ảnh của kiểu quân tử bình dân đó:

Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than.

Chính quan niệm điệu nghệ đề cao con người không phải ở tiền bạc, địa vị, dòng dõi mà ở thái độ sống tích cực, sống có nghĩa khí, sống với tinh thần: "bần tiện chi giao mạc khả vong, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng". Quan niệm điệu nghệ cho người ta luôn luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người không phân biệt tốt xấu giàu nghèo trong quá khứ. Nếu biết điệu nghệ thì mọi việc có thể giải quyết trong tình anh em không cần đến pháp luật và quan lại: Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, đấng anh hùng đừng oán mới hay.

Cuối cùng, người nghĩa vẫn là những con người bình dị qua hình ảnh "con chim nho nhỏ" trong ca dao Nam bộ. Công thức "con chim nho nhỏ" thường mở đầu cho lời khuyên nhủ, mong ước. Lời khuyên nhủ thường phải là lời của một ai đó cho nên hình ảnh trên biểu trưng cho con người biết trân trọng, giữ gìn đạo lý:

Con chim nho nhỏ,
Cái lông nó đỏ,
Cái mỏ nó vàng,
Nó kêu người ở trong làng,
Đừng ham lãnh lụa phụ phàng vải bô.
Biểu trưng với tính cách ngang tàng

Lối sống ngang tàng là hệ quả của tinh thần nghĩa khí hào hiệp trong con người Nam bộ. Những con người tứ chiếng từ những huyện phủ khác nhau về vùng đất mới mang trong mình nhiều chất phản kháng, ít chịu sự ràng buộc của lễ giáo, không bao giờ bị khuất phục. Họ chấp nhận mọi hiểm nguy, mọi thử thách (nắng mai - mưa chiều) thậm chí trong những hoàn cảnh nhất định, họ đã phải liều:

Ra đi là sự đánh liều,
Nắng mai không biết, mưa chiều không hay.

Cho dù phải luôn luôn đối mặt với tình huống khó khăn kiểu nắng mai - mưa chiều, người Nam bộ vẫn muốn khám phá cuộc sống bất chấp non cao sông sâu:

Lên non mới biết non cao,
Xuống sông mới biết chỗ nào cạn sâu.

Con người Nam bộ ngang tàng được thể hiện qua các biểu trưng chim, cây là con người cứng cỏi giữa cuộc đời. Chim biểu trưng cho con người sống giữa cuộc đời rộng lớn, đầy biến động. Đó là con người đi xa, người có chí khí thường là người đàn ông. Đó là chim trong các hình ảnh cánh chim hồng, chim khôn, chim kia sớt cá, chim trên rừng, chim bay về rừng, chim bay, chim trời, cánh chim...

Bể sâu con cá vẫy vùng,
Trời cao muôn trượng, cánh chim hồng cao bay.

Cây cứng lá dai là khí phách của người không biết luồn cúi, không sợ uy quyền:

Trời sinh cây cứng lá dai,
Gió lay mặc gió chiều ai không chiều.

Ngang tàng có nghĩa là dám sống, sống hết mình đúng với chính mình, dám tin vào chân lý cuộc sống, tin vào tình yêu như hình ảnh cây khô chết đứng:

Cây khô chết đứng giữa trời,
Chết thời chịu chết không quên lời anh than.

Chấp nhận tất cả rủi ro trên con đường phiêu bạt, người Nam bộ coi nhẹ tính mạng nên sống ngang tàng. Mặt khác, việc khai thác vùng đất mới đầy gian khổ hiểm nguy cũng góp phần tôi luyện tính cách trên. Nhưng cần phải thấy rằng, ngang tàng ở đây không phải là phá phách, là làm loạn. Ngang tàng là một nét nhân cách Nam bộ, đó là những con người không chấp nhận sống mà phải cầu xin, phải khuất phục trước bạo lực. Đó là những con người vươn tới những điều to tát, không quan tâm đến những cái vụn vặt. Có thể trong cuộc sống hiện đại, đây đó vẫn có những con người Nam bộ tầm thường. Điều này không có gì lạ. Nhưng trong ca dao, người Nam bộ hướng tới một cánh nhạn bay cao quí mà không thèm để ý đến chim sâu tầm thường. Và nếu chàng trai nào chỉ muốn bắt chim sâu thì sẽ bị chê cười:

Bình tích thủy đựng bông hoa lý,
Chén chung vàng đựng nhụy bông ngâu,
Trách ai làm trai hưu nhãn vô châu,
Chim oanh không bắn, bắn con chim sâu đậu nhành tùng.

Lối sống ngang tàng gắn với một thái độ dứt khoát kiểu đã tròn cho ra tròn, vuông cho ra vuông. Một số không ít ca dao Nam bộ biểu lộ thái độ quyết liệt bằng các phân biệt rạch ròi giữa đỏ và đen, giữa tốt với xấu giữa Nguyệt Nga - Vân Tiên với cha con Bùi Kiệm:

Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm tiền đồng xỉa riêng.
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.

Tóm lại, tính cách Nam bộ vẫn là tính cách Việt Nam, vẫn là những con người yêu nước có tinh thần dân tộc đã từng dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm... Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra hai nét nổi trội của tính cách người Việt Nam bộ được khắc họa trong ca dao.

Trần Văn Nam

Source Van Chuong Viet

Friday, June 9, 2017

Tiếng tơ đồng - 20 bài tổ - điệu thức oán


Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây

Đờn ca tài tử Nam Bộ: Hồn muôn năm cũ, bây giờ ở đây 
Khuyết danh 

Đờn ca tài tử là hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người Nam Bộ xưa nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần con người đất phương Nam.

Theo các tài liệu khảo cứu về văn hóa Nam Bộ thì Đờn ca tài tử (ĐCTT) xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa vùng đất phương Nam. Ban đầu ĐCTT chỉ là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch của con người đi khẩn hoang. Về sau, ĐCTT được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp. Hai chữ "tài tử" là để chỉ người tài. ĐCTT là hoạt động văn hóa, giải trí của một nhóm người tài, có giọng ca thiên phú cùng sự đam mê luyện tập, ứng đối tốt. "Tài tử" thường đi với "giai nhân". Tài tử sánh với giai nhân là tri âm tri kỷ.

Thời sơ khai của ĐCTT (trải dài suốt triều Nguyễn cho đến đầu thế kỷ XX), ĐCTT là thú chơi của tầng lớp quan lại, quý tộc. Các nhóm ĐCTT tiếng tăm như ban của ông Tư Triều và Hai Triều ở Mỹ Tho, Tiền Giang thường được giới quý tộc săn đón, mời mọc biểu diễn. Dân chúng mê ĐCTT, theo ĐCTT như một thứ bùa. Đã mê rồi, họ không dứt ra được.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ĐCTT là linh hồn của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ở Nam Bộ. Một số bản nhạc tài tử thời kỳ đó trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại, Lưu thủy trường, Xuân tình v.v...

Tài tử, giai nhân một thời vang bóng

Thành phố Cần Thơ là vùng đất nổi tiếng của phong trào ĐCTT xưa nay. (Thời xưa, vùng đất Cần Thơ có tên là Cầm Thi. Hoạt động đờn ca trên sông nước ở đây đã làm nên giai thoại Cầm Thi Giang nức tiếng một thời). Đất tài tử hàng đầu ở Cần Thơ phải kể đến huyện miệt vườn Phụng Hiệp.

Trong số các lão tài tử từng nổi tiếng thời chống Pháp còn sống đến hôm nay, cụ Lưu Văn Thuần (Ba Thuần) ở ấp Phụng Sơn A, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp được coi như một "gia tài sống" về ĐCTT. Nhà cụ Thuần nằm bên bờ một dòng kênh nhỏ. Người dân ở đây gọi cụ Thuần là "cụ Ba tài tử". Cụ còn rất trẻ và khỏe so với tuổi 82 của mình. Con đường trở thành tài tử của cụ Ba quả cũng lắm công phu.

Cụ kể: "Hồi xưa tui mê đờn ca nên được ba má tui mời thầy về dạy. Thầy dạy tui là tài tử Bảy Tàu ở ấp Láng Sen, xã Phụng Hiệp. Lớp học có 6 người, học vào ban đêm, vừa học đờn, vừa học ca. Sau hai năm theo học, thầy bảo: Các con giờ đã ca hay, đờn giỏi, nhớ lấy tiếng ca, tay đờn để mua vui cho đời. Được như vậy thì tâm hồn sảng khoái, sống lâu. Những lần đi làm ăn buôn bán xa quê, tụi tui thường tụ tập đờn ca. Từ đó, tui quen với ông Trần Văn Thành, một tài tử rất nổi tiếng ở Sóc Trăng. Con gái ông Thành là Trần Thị Lan mê tiếng ca, tay đờn của tui nên đem lòng yêu thương rồi trở thành vợ tui"...

Với chất giọng trời phú, Ba Thuần trở thành một trang tài tử nổi tiếng khắp miệt vườn. Ba Thuần gia nhập đoàn văn nghệ của huyện đi biểu diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng Long Điền, Phụng Hiệp... Ông lọt vào tầm ngắm của bọn mật thám, chỉ điểm. Chúng tổ chức mật phục, truy lùng ông ráo riết với mục đích triệt hạ giọng ca tài tử. Bị giặc bắt, giam tù, tra tấn dã man, ra tù Ba Thuần tiếp tục gia nhập các nhóm đờn ca phục vụ kháng chiến. Con trai hy sinh trong kháng chiến, vợ mất, Ba Thuần sống cùng với người con gái duy nhất. Cụ Ba Thuần là thương binh hạng 4/4. Hiện nay, cụ Ba và các thành viên trong nhóm ĐCTT chỉ đi hát mua vui, không lấy tiền thù lao.

Cách Phụng Hiệp một chuyến đò ngang, mảnh đất Phong Điền cũng có một lão giai nhân vang bóng một thời về đờn ca và nay cũng đang say sưa bầu nhiệt huyết ấy, đó là cụ Phan Thị Thanh Liên (Năm Liên). Cụ Năm Liên năm nay đã 72 tuổi nhưng lời ca vẫn rất mượt, trong và sáng. Cụ Ba Thuần và cụ Năm Liên đều chung nguyện vọng, đó là được truyền nghề cho lớp con cháu. Những lão tài tử, giai nhân một thời vang bóng như cụ Ba Thuần, cụ Năm Liên hiện còn rất ít.

Đờn ca tài tử không chỉ để mua vui

Vào cái thời bùng nổ nhạc rock, nhạc rap... nhịp sống cuồn cuộn, lớp trẻ vùng sông nước miệt vườn cũng bị cuốn theo. Những năm gần đây, khi ĐCTT được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam Bộ cần phải được bảo tồn, phát triển, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thường xuyên tổ chức các đợt liên hoan ĐCTT, liên hoan ca cổ. Trung bình mỗi xã có từ 1-3 câu lạc bộ ĐCTT. Ngoài ra, ĐCTT còn phát triển trong các quán nhậu. Tại các đô thị, hầu như ở khu phố nào cũng có quán nhậu ca cổ, ĐCTT.

Nếu nhìn vào những biểu hiện ấy, có thể thấy ĐCTT đang dần trở lại thời vàng son. Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy. Tại các cuộc liên hoan ca cổ và liên hoan ĐCTT gần đây, số lượng các diễn viên trẻ tham gia rất ít. Nghệ sỹ ưu tú Trúc Linh, một trong những cây đại thụ của làng ca cổ hiện nay, đã phát biểu rất tâm huyết rằng: Lớp trẻ nhiều cháu có chất giọng rất tốt nhưng ca hời hợt quá. Ca cổ, ĐCTT mà phong cách cứ như hát nhạc trẻ. Thế này thì khó mà "lớn" được.

Nói về hướng đi cho ĐCTT, Giáo sư, nhạc sỹ Trần Văn Khê cho rằng: ĐCTT là hồn cốt của văn hóa Nam Bộ. Nó không bao giờ mất đi. Điều quan trọng là trong quá trình duy trì, phát triển, không được để nó biến tấu theo những khuynh hướng xô bồ, tùy tiện. Để làm được điều đó phải tạo cho ĐCTT có những "sân chơi" phù hợp. Chỉ dừng lại ở mấy cuộc liên hoan, thi thố thì chưa đủ.

Ngày xuân tiết trời se se, lênh đênh qua những tuyến kênh rạch dưới không gian xanh ngút mắt, thưởng thức hương vị trái cây mát lịm, ngồi trên nhà hàng nổi thả hồn du dương theo âm thanh ĐCTT... là thú vui của du khách muôn phương khi đến vùng đất sông nước miệt vườn. Hy vọng ngày càng có nhiều "sân chơi" như thế để ĐCTT lại tiếp tục được mê đắm, được mời mọc.

Phan Tùng Sơn

Source Van Chuong Viet

Saturday, April 29, 2017

Quê hương qua Ca Dao: Bánh Trôi - Đinh Thức

Bánh Trôi

Thơ Hồ Xuân Hương

Thân em thì trắng phận em tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.



Thursday, April 6, 2017

Lời bài hát Quan Họ Bắc Ninh - Canh hát nơi đây

Canh hát nơi đây 

Lời bài hát

Hôm nay canh hát  í  a  a  là  là  canh hát  í  a  nơi  đây là  tính tình là tính tình canh hát nơi đây
Xuân này la có bên tang lý ….

Phổ nhạc

 

Source: quanho.org

Tuesday, March 7, 2017

Quê hương qua Ca Dao: Bánh dày Liễu Đôi - Đinh Thức

Bánh dày nhất hạng Liễu Đôi
Xé ra nửa cái đủ ngồi năm mâm
Ăn rồi no lóc no lăn
Chép miệng tiếc rẻ sang năm lại về
 
(Ca dao - Tục ngữ)
 

Thursday, February 16, 2017

[Đất Phương Nam] Miền Tây Tứ Mùa 1-4


Con Rồng Trong Ca Dao Dân Gian

Con Rồng Trong Ca Dao Dân Gian 
Trần Minh Thương  


1. Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2011, trang 1069) định nghĩa rồng là động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật.

2. Rồng trong ca dao đối nhân xử thế
Việt Nam là nước nông nghiệp hình tượng con rồng xuất hiện để diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông: Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa
Hoặc:

Rồng đen lấy nước được mùa..
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày

Trong ứng xử có kẻ tự cao cho rằng:

Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình

Rồng vàng là rồng quý, không bao giờ đi tắm nước đục ở ao tù, cũng vậy người khôn ngoan mà phải chung sống với kẻ ngu đần thì thật là bực bội, ấm ức, …

Để vạch mặt kẻ khoác lác, lắm lời, tác giả dân gian bày tỏ:

Rồng nằm bể cạn phơi râu
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi

Con rồng thân hình to lớn nằm nghỉ ngơi thoải mái an lạc, phơi râu dưới nắng hè, ai cũng trông thấy, nó giống như những lời anh nói dối, thiếu thành thực thì khác nào giấu khúc đầu lại lòi ra cái đuôi vậy.

Thế lực thống trị thường ví mình như rồng như phượng, còn người thấp hèn chẳng khác nào như dòng rắn liu điu, nhỏ bé:

Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu

Đã nhỏ bé thì phải bé an phận. Nhưng cuộc đời đâu chỉ đơn giản như những gì “rồng” nghĩ, “rồng” muốn, người bình dân thể hiện rõ nỗi thất vọng về “rồng” như vầy:

Tưởng là rồng ấp được mây,
Ai ngờ, rồng ấp phải cây chổi cùn!

Có người còn lớn tiếng “chọc” lại “rồng”:

Phải chi anh có phép thần thông,
Ngăn mây đón gió bắt rồng cưỡi chơi

Bấy giờ giống rồng cao quý chẳng khác gì con ngựa, con trâu!

Người dân chân chất chân quê cũng sẵn lòng cưu mang rồng, nếu chẳng may rồng cạn nước, sa cơ thất thế:

Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Ðồng Nai,
Sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

Nghĩa tình, nhân hậu và lòng bao dung của những kẻ bùn lấm tay nhơ đáng trân trọng biết dường nào.
Trong xã hội phong kiến, lập danh không có cách nào khác là phải học và thi, mong ngày nào đó danh khắc bảng rồng (long bảng), tức đạt được học sĩ tiến sĩ. Khi ấy, ơn nghĩa sinh thành được đền đáp, xóm giềng cũng thơm lây. Vì thế, niềm mơ ước của sĩ tử thật lớn lao:

Bao giờ cá chép hoá long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.

3. Rồng trong ca dao tình yêu lứa đôi
Đầu tiên là những lời chọc ghẹo, cợt đùa qua lại giữa những đối tượng đã bước qua cái tuổi “nữ thập tam, nam thập lục”

Ngựa ô trổ mã thành rồng
Anh đây trổ mã thành chồng của em.

Một chàng trai nào đó, táo bạo ngõ lời.

Rồng chầu biển bắc, phụng múa Hà Tiên.
Anh thương em gặp mặt thương liền
Tỉ như Lữ Bố, Điêu Thuyền thuở xưa.

Mượn tích chuyện giữa Lữ Bố và Điêu Thuyền trong Tam quốc để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, chàng trai quả thật khéo léo vừa bày tỏ sự hiểu biết của mình vừa “chọc” được đối tượng  với nỗi lòng cảm kích. Cũng cần nói thêm để các cô cảnh giác, chàng khen nàng là Điêu Thuyền đẹp thì có đẹp nhưng tính nết … hình như cũng chẳng mấy vẹn toàn theo quan niệm “gái thời tiết hạnh là câu trau mình” như cụ Đồ Chiểu đã từng răn dạy!

Trong cuộc đời, không phải ai cũng gặp được may mắn, có những kẻ tự than trách cho thân phận “hẩm hiu của mình:

Ông rồng nằm miệng chậu, ông rồng leo,
Thân người ta có đôi ra rả, thân anh chèo queo một mình !

Ở phía bên kia, những cô gái cũng kín đáo tỏ bày:

Tình cờ anh gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.

Rồng gặp mây lấy từ chữ Vân khởi long đăng nghĩa là rồng gặp mây thì tha hồ vùng vẫy, hàm ý chỉ những diều may mắn, vui vẻ, hạnh phúc, đỗ đạt, thành công, …
Anh chàng được dịp phấn khởi hẳn lên:

Rồng giao đầu, phượng lại giao đuôi
Ngày nay tôi hỏi thiệt, mình thương tôi không mình?

Hỏi tất có đáp, cô gái gật đầu bằng lòng cái rụp, song nàng vẫn phải chờ lệnh mẹ cha, với nội dung câu hò da diết:

Màn rồng một bức giăng ngang
Tôi với mình trời định tam cang ngũ thường
Mình về thưa lại thung đường
Qua đây gá nghĩa cang thường với em.

Sau buổi hò chơi ấy, đêm về ngẫm nghĩ nhiều cô gái thức trắng canh, ước ao:

Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hoá rồng.

Hy vọng một ngày nào đó:

- Thiếp như cá ở biển Đông,
Chờ khi nước cạn hóa rồng lên mây
- Một ngày ngồi tựa mạn rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài

Câu ca với nhiều ẩn ý chỉ đến sự giàu sang. Nhưng trong tình yêu không phải chỉ có bạc, có vàng, có địa vị là có được một cuộc đời hạnh phúc. Nhiều khi, các cô ngỡ ngàng chấp nhận một sự thật:

Thuyền rồng bất nghĩa thả trôi
Thuyền nan có nghĩa ta ngồi thuyền nan

Sau những lời tỏ tình như mật ngọt rót vào tai, các đôi tình nhân đính ước, thề nguyền trọn đời bên nhau. Họ mong đến khi:

Ngày nào nên nghĩa vợ chồng
Đôi đứa ta như cá hóa rồng lên mây

Tương truyền Long Môn là tên một con sông do vua Vũ (thời cổ đại Trung Quốc) đào để trị thủy, có khúc hiểm trở, nước không thông lên trên được. Trong ngôn ngữ Trung Quốc có thành ngữ Vũ môn tam cấp (ba bậc cửa Võ). Hàng năm, vào các ngày 1, 11 và 21 tháng 7, trong khi những cơn mưa đổ xuống, cá gáy kéo nhau đến sắp thành hàng, nhảy lên núi cao, hễ con cá nào nhảy lên được thì hóa rồng.  Nghĩa phát sinh chỉ đến việc các nho sinh thi cử đỗ đạt, được phong danh cao chức trọng. Trong ngôn ngữ văn chương trung đại, hóa rồng chỉ việc thi đỗ. Câu ca dao lại sử dụng hình ảnh so sánh với nét nghĩa không hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa, …
Hay:

Làm sao cho hiệp vợ chồng
Cho lê hiệp nhãn, cho rồng hiệp mây

Chung thủy là phẩm chất quan trọng nhất trong tình yêu, nó cần phải được thời gian kiểm chứng:

Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng,
Dầu ai có thêu phụng, vẽ rồng mặc ai

Không gian cũng là một yếu tố thử thách :

Đôi ta như rồng lượn trong trăng
Dẫu xa nhau đi nữa vẫn khăng khăng đợi chờ.

Yêu nhau tha thiết lại phải ở xa nhau, tương tư biết mấy đêm rày, cung bậc nhớ nhung làm cho tình yêu thêm thi vị :

- Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây…..

- Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chèo bẻo xa cây măng vòi.

Vở kịch hay đến hồi hạ màn, tình yêu đẹp đẽ rồi đến hồi kết thúc. Họ đã là con một nhà, nên vợ nên chồng. Chồng đâu, vợ đấy, khó khăn cùng chia, ngọt bùi cùng hưởng:

Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo…

Nhưng trong cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng được như ý. Nhiều lúc, dân gian dùng cách nói nói quá không biết là để tự hào về người chồng thực sự yêu thương vợ mình hay là sự cười cợt dành cho người dị hình, dị tướng:

Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho

Ngay cả người trong cuộc cũng ý thức và chấp nhận sự thật ấy:

Thế gian được vợ hỏng chồng
Có đâu như rồng mà được cả đôi.

Ở một cung bậc khác trong tình yêu lứa đôi là sự tan vỡ. Không phải đôi lứa nào cũng được cảnh “loan phụng hòa minh”, không ít kẻ ngậm ngùi:

Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Không nói bóng gió nữa, mà phát ngôn trực diện :

Nhứt ngôn thuyết quá,
Tứ mã nan truy,
Ra đi còn dằm, rồng nằm thấy dạng,
Em nỡ bụng nào đành đoạn bỏ anh.

Cô gái cũng thốt lên như tỏ cùng trời lời nóng giận :

Mai mốt em về lấy chồng
Sang sông đã có thuyền rồng cưỡi chơi.

Nguyên nhân của sự đổ vỡ thì có muôn hình, muôn vẻ, nhưng có lẽ đổ thừa dễ nhất là do hoàn cảnh :

Xa xa quê tía bốn phía mây giăng
Quê má rừng ngăn núi chặn
Quê anh sông dài rạch vắn, rồng rắn lượn quanh.
Đi không nỡ, ở không đành
Chiều chiều gắng gượng lên gành ngó mong.

Lòng người bạc đen quên tình, phụ nghĩa cũng được vạch trần :

Trách anh một dạ hai lòng
Anh đương chơi với phụng, anh thấy rồng anh mê
Phụng với rồng cũng đồng nhan sắc
Em trách cho ai làm phụng Bắc rồng Nam.

Những hình ảnh phụng, rồng nọ ngẫm ra chẳng khác người trong cuộc là bao!

4. Kết luận

Ca dao dân ca là tiếng lòng của người bình dân ngày ngày vất vả một nắng hai sương bên cánh đồng thửa ruộng.

Rồng, phụng, là những con vật linh thiêng, nhưng khi đi vào đời sống tâm hồn của người dân quê thì nó cũng «bình đẳng» như bao nhiêu hình tượng khác. Nó tham gia và có mặt hầu hết trong các cung bậc tình cảm của dân gian.

Với nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nhân hóa, …, đặc sắc. Con rồng trong ca dao dân ca góp phần làm giàu thêm, đẹp thêm cho kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt.

Trần Minh Thương 

Source Van Chuong Viet

Tuesday, January 24, 2017

Lý Cái Mơn - Bích Phượng


Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre

Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre 
Lữ Hội  

Bến Tre là tỉnh nằm sát biển Đông, được hợp thành bởi ba cù lao lớn: Cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, do phù sa của bốn nhánh sông: Sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên bồi tụ qua nhiều thế kỷ.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Bến Tre có nhiều dừa, mía, cây ăn trái, biển nhiều cá tôm, Bến Tre còn là một những những cái nôi của nguồn dân ca người Việt Nam ở Nam bộ. Ngoài những thể loại có chung đặc điểm với các tỉnh trong khu vực như: Hò, lý, hát ru... Bến Tre còn có thể loại riêng là đọc thơ Lục Vân Tiên và hát sắc bùa Phú Lễ. Bên cạnh tính đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, hình thức, về môi trường thể hiện cũng rất phong phú và hòa quyện nhau trong quá trình diễn xướng.

Hát ru:

Hát ru còn gọi là hát đưa em, là một trong những thể loại có khả năng biến cải các thể loại khác thành lời hát ru; cấu trúc một câu hát đưa em thường được thành 3 phần: mở đầu gọi là xô một, kế đến là câu kể, kết thúc là xô hai. Xô hai của một câu hát đưa em được mở rộng gấp đôi xô mở đầu và được thực hiện xuyên suốt sau khi kết thúc một câu kể trong buổi hát, lượt hát đưa em. Xô mở đầu chỉ thực hiện khi bước vào buổi hát đưa em.

Mỗi khi câu kể có ít nhất là câu lục bát, hoặc lục bát biến thể. Kết thúc câu lục thường có tiếng đệm lót theo sở thích của người hát đưa em.

Tùy vào hơi dài, ngắn và sự phấn khích của người hát đưa em, câu ru được kéo dài hoặc dồn dập, hoặc lớn, nhỏ, nhưng vẫn nhịp nhàng với võng ru cho đến khi trẻ thơ vào giấc ngủ.

Hò Bến Tre:

Hò Bến Tre là kết quả của một tập thể người sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất trên đồng ruộng. Do đó, tuy Bến Tre là vùng cù lao bốn bề sông nước, nhưng hò trên sông nước không là loại hình sinh hoạt phổ biến trên đất Bến Tre, mà là sự ngẫu hứng mang tính cá nhân, mục đích chủ yếu là nhằm ôn lại, kể lại những câu hò đã hò trên đồng ruộng hoặc sáng tạo mới trong khoảng thời gian ngồi trên xuồng để mọi người cùng nghe. Vì vậy, không thể đồng nghĩa mái hò với mái chèo.

Một câu hò đối đáp được chia ra ba câu, dân gian gọi là ba mái hò. Mỗi mái hò là một câu kể gọi là cái kể. Kết thúc cái kể là một hình thức đưa hơi gọi là con xô. Hò chỉ diễn ra trong một vạn cấy, thường thể hiện dưới hình thức hò đối đáp. Vào mùa cấy, hò là môi trường thuận lợi cho nhiều đôi trai gái bày tỏ tình cảm, thử thách tài trí... Qua các buổi hò, nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ.

Trong một cuộc hò bao gồm cả hai lối hò: hò mép và hò huê tình và có xướng, có xô. Cách đặt tên cho hò cơ bản dựa trên nội dung của con xô.

Hò hố khoan, hò hơ và hò xự xang là ba hình thức hò mang tính tập thể cao, được tập thể chấp nhận, chủ ruộng đồng tình, nên là ba hình thức hò phổ biến trên đồng ruộng ở Bến Tre.

Hát lý:

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các điệu lý là tác phẩm âm nhạc tự túc của nhân dân được lưu truyền rộng khắp, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau dần trở thành một môn nghệ thuật diễn xướng dân gian.

Đến nay, Bến Tre đã sưu tầm được 75 điệu lý, trong đó có 65 làn điệu khác nhau.

Lý luôn là người bạn đồng hành của người lao động trong suốt cuộc hành trình: Theo người lao động ra đồng, đi biển, bơi xuồng, hay hát giúp vui, và theo trẻ thơ vào giấc ngủ.

Nói vè:

Bên cạnh lối tự sự bằng văn xuôi, đã xuất hiện lối tự sự bằng văn vần, bởi nhân dân ta trong lời ăn tiếng nói hàng ngày thích dùng những câu nhịp nhàng, đối xứng, ví von. Do đó, vè xuất hiện để kể lại  những sự việc không bình thường một cách có vần, có nhịp.

Vè như là một thứ khẩu báo, nhỏ thì thu hút sự chú ý của nhân dân một thôn, một xã. Lớn thì một huyện, một tỉnh, một vùng.

Vè thường xuất hiện trong các buổi trà đàm vào lúc chiều tối. Ngoài các buổi trà đàm, các đội hát sắc bùa Phú Lễ cũng sử dụng lối kể chuyện này để giúp vui trong các buổi diễn nhân dịp xuân về.

Nói thơ Lục Vân Tiên:

Qua các bậc cao niên, nói thơ Lục Vân Tiên thường diễn ra vào những buổi chiều tối.

Bên ánh đèn dầu, một người nói thơ, nhiều người già, trẻ, gái, trai trong xóm cùng đến thưởng thức. Ngày qua ngày nối tiếp nhau - giọng này mệt, giọng khác thay; người này vắng - người khác thế, Lục Vân Tiên đã hằng sâu trong tâm trí của các thế hệ người Bến Tre. Nhiều bậc cao niên tuy không biết chữ, nhưng vẫn thuộc làu tác phẩm Lục Vân Tiên.

Trong sự ngút ngàn của vườn hoa âm nhạc dân tộc, trong sự đa dạng, phong phú của lối ứng tác tức thì của các nghệ sĩ dân gian Bến Tre đã góp phần tạo nên sắc thái văn hóa vừa phù hợp với diện mạo chung trong sự phát triển của dân ca Việt Nam, vừa khẳng định khả năng sáng tạo mang tính đặc thù của dân ca Bến Tre.

Lữ Hội 

Source Van Chuong Viet