Saturday, September 26, 2015

Quê hương qua Ca dao: Thằng Cuội - Đinh Thức

Trung Thu lại về mang theo những niềm vui nhỏ nhỏ, dễ thương cho tuổi thơ và có lẽ cả người lớn... Gia đình tôi vào những dịp Trung Thu hàng năm thì cả nhà bận rộn để kịp ra lò những hộp bánh nướng, banh dẻo đặng giao khách hàng (Quý vị muốn đặt hàng gọi số 0838438004)...

Mỗi người có một tuổi thơ với những kỷ niệm để nhớ. Những kỷ niệm tuổi thơ đáng yêu mà tôi vẫn nhớ suốt cuộc đời vào những dịp Trung Thu ở quê nhà là những chiếc đèn Trung Thu tự tạo bé nhỏ, ngộ nghĩnh, tốn công mấy ngày mới làm xong, không phải vì bố mẹ không mua cho mà vì thích tự làm lấy như thế; có khi làm bằng giấy bóng kính, có khi thì làm bằng cóng lon nước ngọt kêu lóc cóc, leng keng quanh xóm ngõ cùng đám trẻ trong xóm... Cả đám ồn ào, vui nhộn với những câu hát đi hát lại... "Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi. Em đốt đèn đi khắp phố phường... Đèn ông sao với đèn cá chép... đèn bướm bướm..." (Rước đèn tháng Tám - Nhạc sĩ Vân Thanh hay Đức Quỳnh)... Tuổi thơ thật hồn nhiên, vô tư và dễ thương như những cây đèn cầy ngũ sắc bé nhỏ xinh xinh lung linh tỏa sáng...

Nói đến Trung Thu thì không thể thiếu câu chuyện Chị Hằng Nga và Chú Cuội mà chúng tôi vẫn hát vang đêm trăng rằm "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ... Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi..." (Thằng Cuội - Nhạc sĩ Lê Thương).

Cung Quảng vừa tròn vừa sáng lung linh huyền ảo lại có Hằng Nga và một bầy tiên nữ xinh đẹp vui đùa múa hát như thế hỏi sao chú Cuội cứ ôm cây ở mãi chẳng muốn về... Đến như bố mẹ Cuội mà còn mê cưỡi ngựa, chơi cầu vồng... thì trách chi Cuội sao chỉ muốn sống mãi trên tiên cung...

 

Nhớ Xuân Tuổi Thơ - Chúc Tết - Đinh Tất Thức


Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015.

Blog KYDV kính chúc quý đồng hương và bạn đọc một năm mới

AN KHANG - THỊNH VƯỢNGTHÀNH CÔNG


Quê hương qua Ca dao: Ba cô đội gạo lên chùa - Đinh Thức

Như lịch sử đã ghi chép, Kinh Bắc là cái nôi lịch sử, văn hóa và cũng là cái nôi của Phật Giáo với hàng trăm đình, chùa, đền, miếu, khắp nơi mà những danh lam cổ tự ngàn năm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như: Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp v.v...

Ảnh: Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) hay còn gọi là chùa Nhạn Tháp, nằm bên sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. (Nguồn CTTDTBN)

Sinh hoạt tôn giáo nhộn nhịp quanh năm với những lễ hội lớn nhỏ. Một số những sinh hoạt đã đi vào thơ ca và văn chương bình dân, truyền khẩu với tính cách dân gian nhiều hơn tôn giáo, như những câu Ca dao dưới đây:
 
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo, cho bầu đứt dây
Ai làm cho đấy lìa đây
Cho chim lìa tổ, cho cây lìa cành...

Những câu Ca dao lục bát trên đây không biết đã có từ bao giờ, do ai sáng tác và ở đâu. Có lẽ là xa xưa lắm, vì già như ông bà tôi cũng đã được nghe từ lúc còn tấm bé... Tôi thấy thú vị về những nét sinh hoạt, đời sống dân gian nhưng không thiếu phần duyên dáng, trữ tình đáng yêu được mô tả qua những câu thơ trên...

Những ngày còn thơ ấu, tôi hay được nghe bà (nội và ngoại) cũng như thân mẫu hát ru cháu, ru con bên chiếc võng đong đưa nhè nhẹ vào những buổi trưa êm ả hay những buổi tối thanh vắng mẹ con quây quần bên nhau kể chuyện cổ tích... Những câu Ca dao này mẹ tôi hát khá hay vào lúc tuổi còn thanh xuân. Ngày xưa, lúc còn ở ngoài Dũng Vi, bà cũng rất thích hát và hay tham dự những lễ hội trong làng...

Cứ thế, năm tháng trôi qua, những câu Ca dao và những câu chuyện cổ tích về làng quê Bắc bộ xưa đã đi vào trí nhớ đơn sơ bé bỏng... và theo tôi trên suốt những nẻo đường đời, đến nay tôi vẫn còn nhớ như in...

"Ca dao là Dân ca" như cố nhạc sỹ Phạm Duy đã nhận định trong tác phẩm của ông.
 
Tôi chỉ muốn mượn những nốt nhạc ngũ âm để hy vọng khơi ra những âm điệu, tiết tấu vốn sẵn tiềm ẩn trong những ngôn từ của Ca dao và xem đây như những kỷ niệm mãi không phai mờ về quãng đời thơ ấu bên ông bà, cha mẹ và những hoài niệm về quê cha đất tổ ngàn năm...