Saturday, September 23, 2017

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có phải là ông tổ ngành cải lương?

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có phải là ông tổ ngành cải lương? 

Khuyết danh  

Gần đây, trong một buổi gặp gỡ các bạn trẻ sinh viên yêu thích cải lương và âm nhạc truyền thống, các bạn có đặt câu hỏi: "Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ bản Dạ cổ hoài lang, vậy ông có phải là ông tổ của ngành cải lương không?". Bài viết sau đây cung cấp thêm một số thông tin về nhạc sĩ họ Cao cũng như về bản Dạ cổ hoài lang...

Ông Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sáp nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Năm 1901, ông Cao theo gia đình đến lập nghiệp tại Bạc Liêu rồi ở luôn tại đây cho đến hết đời (ông qua đời ngày 13/8/1976). Thuở nhỏ, ông học chữ nho rồi học chữ quốc ngữ đến "lớp nhì năm thứ hai" (Cours moyen 2e année) tức lớp bốn ngày nay; sau đó quy y tại chùa Vĩnh Phước - Bạc Liêu. Sau khi rời cửa Phật, ông học nhạc lễ và là một trong những môn đệ giỏi về nhạc lễ của nhạc sư Lê Tài Khị (Nhạc Khị). Ông sử dụng rành rẽ đờn tranh, cò, kìm và trống lễ. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến bản Dạ cổ hoài lang (1919) được xem là tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Ông viết bản nhạc trên gồm 20 câu, nhịp 2 để trút cạn nỗi niềm tâm sự.

Nỗi niềm ấy ra sao? Nhiều lần ông thổ lộ với bạn tri âm: "Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ tôi. Năm tôi viết bản Dạ cổ hoài lang, tôi đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con. Tam niên vô tử bất thành thê. Vợ chồng ăn ở với nhau trong 3 năm, vợ không sanh con, chồng được quyền bỏ để cưới người khác hầu có con nối dõi tông đường. Thời phong kiến có những quan niệm chưa đúng. Người ta cho rằng vợ chồng không sanh con là do lỗi của người đàn bà. Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ vợ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu, xót thương cho vợ chồng tôi gặp phải cảnh đau lòng mà cho ở đậu qua ngày với hy vọng vợ chồng tôi sẽ có con và chiến thắng một quan niệm khắc nghiệt, lạc hậu, chịu ảnh hưởng nặng đạo lý thời phong kiến”. Trong thời gian dài phu thê phải cam chịu cảnh “Đêm đông gối chiếc cô phòng", tâm tư nặng trĩu u buồn nên nhạc sĩ Sáu Lầu đêm đêm mượn tiếng đờn nắn nót đôi câu để bớt cơn phiền muộn. Ông thừa hiểu người bạn đời cũng đau xót như ông. Bản Dạ cổ hoài lang ra đời trong bối cảnh như thế

Nói cho rõ hơn, trong thời gian tác phẩm chưa hoàn toàn hoàn chỉnh, nhạc sĩ Sáu Lầu cùng anh em tài tử địa phương đờn tới đờn lui bản này để lấy ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp về phương diện sáng tác. Chuông, trống "công phu" ngân vang khiến anh em nhạc sĩ đất Bạc Liêu nhớ lại hồi chín, mười tuổi ông Sáu Lầu quy y làm "Sa di" tại chùa Vĩnh Phước. Chú tiểu từng đánh trống, dộng chuông công phu hai buổi sớm chiều. Do đó, anh em đề nghị thêm hai chữ "Dạ cổ" (tiếng trống về đêm) cho ý nghĩa thêm sâu đậm. Ông Sáu hoan nghênh nên bản nhạc có tên hoàn chỉnh là "Dạ cổ hoài lang", tức "Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng".

Từ "Dạ cổ hoài lang" đến vọng cổ

Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp 2. Đó là đứa con của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng khi "Dạ cổ" hòa nhập vào sân khấu cải lương thì hai soạn giả tiền phong góp công đầu để biến bản nhạc này từ nhịp 2 trở thành nhịp 4 là Huỳnh Thủ Trung (tức Tư Chơi) và Mộng Vân (Trần Tấn Trung). Tiếng nhạn kêu sương là bản "Vọng cổ hoài lang" nhịp 4 đầu tiên do soạn giả Huỳnh Thủ Trung (1907 - 1964) sáng tác vào năm 1925. Trên những chặng đường phát triển, khi bản "Vọng cổ hoài lang" được nâng lên nhịp 8 (từ khoảng năm 1934 đến 1944) thì nó có tên mới là "Vọng cổ" (không còn cái đuôi "hoài lang"). Từ khoảng 1944 - 1954, vọng cổ tăng lên nhịp 16; thời kỳ kế tiếp: 1955 - 1964: tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.

Hậu thế đã nhận định như sau: Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp 2. Bản "Vọng cổ" từ nhịp 4 trở đi, trên những chặng đường phát triển, thuộc công trình chung của tài tử tứ phương. Còn ông tổ cải lương dứt khoát không phải là Cao Văn Lầu. Bản Dạ cổ hoài lang chào đời năm 1919, trong khi sân khấu cải lương ra đời khoảng năm 1916.

Ông tổ cải lương là ai? Nhiều nhà nghiên cứu đã xác định ngành cải lương thờ chung một ông tổ với hát bội.

Đi sâu nghiên cứu,chúng tôi thấy có nhiều tư liệu khác biệt:

1) Theo NSƯT, nhạc sĩ Vũy Chỗ xác định cụ thể: Chính Thầy Thống tức ông Trần Xuân Thơ, với sự đồng ý của nhạc sĩ Sáu Lầu, viết bài ca Từ phu tướng, đồng thời có chấn chỉnh một vài chữ nhạc ở câu thứ nhất và thứ bảy cho sắc sảo hơn (Báo Sân khấu số 333 ngày 26/5/1997).

2) Theo nhà nghiên cứu Hoài Ngọc, trong biên khảo "Sân khấu cải lương" (chưa xuất bản), tác giả viết theo lời kể của NS Sáu Lầu: "...Chừng mấy tháng sau, tôi nghe người ta có đặt bài ca cho bản Dạ cổ hoài lang của tôi rồi, và ca cho tôi nghe, thật đúng y như chữ đờn..." (người ta ở đây là nhóm tài tử Sài Gòn - ghi chú của NV).

3) Qua bài viết của ông Trần Phước Thuận, đồng hương với nhạc sĩ Sáu Lầu, xác nhận "Bản Dạ cổ hoài lang, cả nhạc lẫn lời đều do ông Cao Văn Lầu sáng tác" (Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 2 (40) 2003, trang 37).

 
Huỳnh Công Minh - Thiên Mộc Lan
 

Source Van Chuong Viet